"Trước khi bắt đầu hội nghị, tôi xin bày tỏ sự cảm thông và gửi những lời cầu nguyện tới những gia đình và cộng đồng doanh nghiệp ở các nước ASEAN đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi covid-19, và bão lụt. Ngay trong những ngày này, Philippines và miền Trung của Việt Nam đang oằn mình chiến đấu với một cơn bão nữa: Bão Vàm Cỏ.

Thưa quý vị, chúng ta đang đứng trước một giai đoạn phát triển có tính chất bước ngoặt của ASEAN và nền kinh tế toàn cầu mà COVID -19 là một sự thức tỉnh. COVID -19, biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại, chuyển đổi số, cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập... đã đặt nhân loại trước những thử thách và những cơ hội chưa từng có. Cơ hội cho sự thay đổi và thách thức cho sự phát triển bền vững.

COVID vẫn đang tiếp tục hoành hành nhưng trong nguy có cơ. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và trong khu vực đang rơi vào tình trạng suy thoái. Đây là cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu nên giải pháp không thể chỉ giới hạn trong đường biên giới của mỗi quốc gia. Bài toán kép: đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng cần sự phối hợp giữa các quốc gia, cần sự chung tay giữa cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cơ quan Chính phủ. Chưa bao giờ sự chung tay hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp lại cần thiết như lúc này và đối tác công tư là công thức để chúng ta vượt qua khủng hoảng.

Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp ASEAN lần này của chúng ta với chủ đề ASEAN số - bền vững và bao trùm là cơ hội để các nhà lãnh đạo và cộng đồng kinh doanh trong khu vực thảo luận cùng nhau triển vọng của các nền kinh tế ASEAN trong thời gian tới, chia sẻ với nhau định hướng đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị "ESG", thúc đẩy phát triển công nghệ mà nền tảng là công nghệ số, đồng thời chăm lo cuộc sống cho người dân, để cùng một lúc có thể đạt tới các mục tiêu tăng trưởng xanh, quản trị tốt, phát triển nhanh bền vững và bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau.

Ngoài các chương trình cứu trợ và tái thiết chung, chúng tôi đề nghị các Chính phủ tập trung vào các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startups)... đây là những khu vực đang chịu ảnh nhiều ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 nhưng cũng là nơi sinh kế của hàng trăm triệu người dân ASEAN và là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế số và các mô hình phát triển bền vững bao trùm. Các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho các lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng gặp khó khăn tạm thời như hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng ... cũng cần được triển khai ngay, vì đó cũng chính là những khu vực có thể tạo ra sự phát triển bùng nổ sau đại dịch.

Chúng tôi cũng mong các nỗ lực thúc đẩy hội nhập, tăng cường liên kết ASEAN và các đối tác đối thoại sẽ được đẩy mạnh ngay cả trong bối cảnh đại dịch để ASEAN có thể đóng vai trò trái tim hội nhập của nền kinh tế khu vực.

Vừa rồi VCCI và ASEAN BAC đã có sáng kiến thành lập mạng lưới khởi nghiệp ASEAN (ASEAN Entrepreneurship Network) để nối vòng tay lớn cho cộng đồng khởi nghiệp của ASEAN. Đó cũng là một mô hình cụ thể để thúc đẩy xu hướng này. Chúng tôi mong được các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác đối thoại ủng hộ và thúc đẩy. Ngoài ra, ngày mai, chúng ta sẽ chứng kiến lễ khởi động công nghệ cao ASEAN với dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc.

Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự có mặt của Ngài tại lễ khai mạc sáng nay là sự cổ vũ, truyền cảm hứng và tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp ASEAN đang kiên cường vượt qua sóng dữ, đẩy lùi Covid và tái phục hồi nền kinh tế. Xin chân thành cảm ơn Thủ tướng và cho phép tôi xin được chia sẻ niềm vui này như là tin tốt lành cho cộng đồng doanh nghiệp chúng ta".

Theo Tạp chí Diễn Đàn Doanh nghiệp

https://enternews.vn/bai-phat-bieu-cua-vu-tien-loc-185636.html