Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2020

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2374/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2020

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2020

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng  11 năm 2020, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp

Trong tháng 11/2020, VCCI tập hợp,  phân loại  và gửi 16 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tới các bộ, ngành, địa phương. Trong đó Bộ Tài chính vẫn là cơ quan nhận được nhiều kiến nghị nhất, có 05 kiến nghị; còn lại là các Bộ: Công an, Quốc Phòng, Ngoại giao, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động thương binh và Xã hội và các địa phương: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,  Đồng Nai, Trà Vinh. Nội dung cơ bản của các kiến nghị trong tháng chủ yếu đề nghị hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp như:

- Kiến nghị sửa đổi Dự thảo Thông tư ban hành danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo, như:

+ Làm rõ định nghĩa về các ngành nghề và vị trí được đào tạo theo quy định của Chính phủ.

+ Quy định cụ thể các ngành nghề và vị trí công việc được đào tạo theo quy định của Chính phủ.

+ Cho phép doanh nghiệp tự đào tạo, tự cấp giấy chứng nhận đào tạo cho người lao động một cách thuận lợi , dễ dàng bằng việc sửa đổi những quy định hiện tại như không yêu cầu người dạy nghề trong doanh nghiệp phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm…

- Hướng dẫn tiếp nhận cổ phần chuyển nhượng, thực hiện thủ tục pháp lý theo Luật doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiến hành đầu tư và đi vào hoạt động.

- Kiến nghị xem xét lại việc phân loại mặt hàng “Thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish oil Omega 3,6,9” phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Kiến nghị đề xuất phương án hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa: Hiện nay người mua xe ban đầu phải nộp thuế TTĐB là 100%, thay vì thu khoản phí này, Chính phủ có thể tạo điều kiện cho người tiêu dùng trả góp hàng năm, trả cùng lúc mang xe đi kiểm định và đóng thuế đường bộ hàng năm. Thời gian trả góp  có thể là 10 – 20 năm , tùy các cơ quan nhà nước tính toán. Bằng cách này, số tiền ban đầu người mua xe phải trả giảm đi rất nhiều, do đó người nhu cầu người tiêu dùng sẽ tăng, trong khi nhà nước vẫn không bị thất thu, thậm chí còn thu nhiều hơn.

Đặc biệt, trong tháng này, có kiến nghị của Công ty cổ phần Hoàng Thành đã có văn bản kiến nghị từ tháng 6/2020 đề nghị Bộ Quốc phòng, UBND TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các đối tác thuê mặt bằng của Công ty, mặc dù Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4424/VPCP-ĐMDN ngày 03 tháng 6 năm 2020 gửi Bộ Quốc phòng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Delta liên tục có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan về việc đề nghị Đài tiếng nói Việt Nam thanh toán công nợ tồn đọng cho doanh nghiệp từ năm 2013 đến nay với số tiền trên 60 tỷ đồng.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được nêu tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo.

  1. Tình hình giải quyết các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

2.1. Việc trả lời, giải quyết các kiến nghị:

Trong tháng 11/2020, VCCI nhận được 12 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35 (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo).

Nhìn chung việc trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương trong tháng này với tinh thần khẩn trương và quyết liệt. Đặc biệt trong tháng này, có 4 kiến nghị của doanh nghiệp gửi từ đầu tháng nhưng đến cuối tháng đã được các Bộ: Tài chính, Ngoại giao, Công an trả lời, giải quyết, còn lại các kiến nghị từ các tháng trước cơ bản đã được các Bộ, ngành, địa phương trả lời. Các trả lời kiến nghị phần lớn liên quan đến hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật, đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính là cơ quan trả lời kiến nghị nhiều nhất (07 kiến nghị), còn lại là các Bộ, ngành, địa phương khác. 

2.2. Các kiến nghị chưa được giải quyết

Qua theo dõi của VCCI, từ 01/11/2020 đến hết 30/11/2020, còn 07 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời đúng hạn. Nguyên nhân chậm trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do các kiến nghị liên quan đến nhiều Bộ, ngành hoặc nhiều đơn vị trong Bộ cần phải có thời gian trao đổi, thống nhất mới trả lời giải quyết được, đặc biệt là ở địa phương cần phải qua các Sở, ngành để nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương trong tháng này được nêu tại Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 11/2020, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp .

- VCCI đã tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu…(Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- Tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2020 khu vực phía Bắc và phía Nam, thu hút trên 1000 đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc. Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính là thông tin tổng hợp về những thay đổi chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan; đồng thời, đại diện lãnh đạo ngành thuế, hải quan đối thoại, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách pháp luật thuế, hải quan và tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng các văn bản pháp luật từ phía các doanh nghiệp. Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đã giới thiệu một số điểm mới, những chính sách pháp luật mới có liên quan tới cải cách thủ tục thuế, hải quan trong năm nay. Với vai trò kết nối, phối hợp, VCCI sẽ tập hợp ý kiến đóng góp từ các hiệp hội để báo cáo Thủ tướng 1 tháng/lần và với Chính phủ 3 tháng/lần về những vấn đề cấp thiết nhất, liên quan tới sự sống còn của doanh nghiệp, mục đích truyền tải tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để nhanh chóng nhất có được câu trả lời, hướng giải quyết trên tinh thần thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ.

- Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung Việt Nam tổ chức Diễn đàn đa phương 2020 với chủ đề “Ứng phó có trách nhiệm trong quản trị khủng hoảng: Chia sẻ kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19”. Tại Diễn đàn, các đại biểu nhấn mạnh thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19 đã làm bật lên tầm quan trọng hơn bao giờ hết các giá trị của “đồng thịnh vượng” và “ứng phó với khủng hoảng theo cách có trách nhiệm xã hội”. Rất nhiều doanh nghiệp, trong bão Covid, vẫn cố gắng duy trì việc làm cho người lao động, thích ứng linh hoạt bằng ứng dụng công nghệ, chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng có nhu cầu cao… Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, khó đòi hỏi gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đủ lớn, nên cộng đồng doanh nghiệp cần gói hỗ trợ bằng cách thúc đẩy cải cách, đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính để hỗ trợ hoạt động sản xuất được thuận lợi, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời, các chính sách cần được ban hành kịp thời, đảm bảo sự công bằng.

- Phối hợp cùng Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức Buổi gặp gỡ các đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi thông tin về các dự án đầu tư giao thông đường bộ Việt Nam theo hình thức PPP. Buổi gặp gỡ có sự tham dự của 9 đoàn đại biểu các tỉnh Cao Bằng, Phú Yên, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cà Mau, Thừa Thiên Huế, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Vietinbank. Với vai trò đồng điều hành buổi gặp gỡ, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, từ thực tiễn trong quá trình triển khai dự án, trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết, gồm: đảm bảo sự bình đẳng giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư; thay đổi cơ chế, chính sách ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án; cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư chưa sòng phẳng. VCCI kiến nghị: (i) Nhà nước cần sớm giải quyết các cam kết, tồn tại cũ của các dự án đã triển khai, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng, phù hợp với thực tiễn, đó là việc phải xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại của các dự án PPP đã triển khai, trong đó tập trung thực hiện đúng các cam kết của cơ quan nhà nước, đảm bảo các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư nhằm tránh các hệ lụy và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia các dự án mới. (ii) Xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật PPP, trong đó làm rõ quy định về việc chia sẻ rủi ro cho dự án đã/đang thực hiện để xử lý các tồn tại của các dự án đang bị ảnh hưởng do việc thay đổi chính sách pháp luật hoặc cơ quan nhà nước không thực hiện đúng cam kết của hợp đồng.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Trong tháng này, VCCI đã chủ trì và phối hợp với các đối tác tổ chức chuỗi các hoạt động bên lề Tuần lễ cấp cao ASEAN 2020, gồm:

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2020: Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các lãnh đạo ASEAN và các đối tác cùng đông đảo doanh nghiệp trong khu vực. Với chủ đề “ASEAN kỹ thuật số: Bền vững và bao trùm”, ASEAN BIS 2020 là cầu nối giữa các lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách với các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp hàng đầu khu vực, là nơi để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thực tiễn tốt nhất để mở ra những cơ hội cho hợp tác và phát triển. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam cam kết hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN để tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số; môi trường, xã hội và quản trị (ESG); công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực; phát triển bền vững và bao trùm; cùng nhau nỗ lực thực hiện mục tiêu chung đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển; đồng thời tranh thủ các cơ hội mới do sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, luồng vốn đầu tư toàn cầu hướng vào khu vực ASEAN.

Trong khuôn khổ ASEAN BIS 2020, 58 doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực ASEAN đã được vinh danh với 10 hạng mục của Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2020 (ASEAN Business Awards - ABA). ABA là giải thưởng chính thức của năm ASEAN do Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) tổ chức thường niên từ năm 2007.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020 (VBS 2020): Hội nghị năm nay được vinh dự đón tiếp Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, cùng hơn 1500 đại biểu trong nước và quốc tế đã tham gia trực tiếp và trực tuyến trên phạm vi toàn cầu. Với chủ đề “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”, Hội nghị năm nay tập trung thảo luận những cơ hội mới cho các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch và khuynh hướng đầu tư mới của khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội để trở thành điểm dừng chân của làn sóng đầu tư mới của khu vực, đặc biệt trong hai lĩnh vực then chốt: dịch vụ hậu cần thông minh (logistics) và nông nghiệp công nghệ cao.

Hội nghị thượng định Doanh nhân nữ ASEAN 2020: Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu là đại diện các ban, bộ, ngành chính phủ Việt Nam, Ban Thư ký ASEAN, Ủy ban Phụ nữ ASEAN, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các hiệp hội doanh nhân nữ và doanh nhân nữ từ các quốc gia thành viên ASEAN. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện, góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam và doanh nhân nữ ASEAN, đóng góp vào thành công chung của năm ASEAN 2020. Sự kiện cũng vinh dự nhận được thông điệp chào mừng từ Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Với chủ đề “Thay đổi vì một cộng đồng doanh nhân nữ mạnh mẽ và thích ứng hơn”, Hội nghị có 4 phiên thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nữ chủ động thích ứng trong và sau Đại dịch Covid-19; thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi toàn diện cho doanh nghiệp do nữ làm chủ; đầu tư thông minh qua lăng kính giới và thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả thông qua các mạng lưới.

- Tổ chức Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế. Diễn đàn tập trung phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2021, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo. Đánh giá về xu hướng và hướng đi mới sau đại dịch COVID-19, các chuyên gia tham dự Diễn đàn cho biết, có 6 vấn đề cần lưu ý gồm: tác động không đồng đều của đại dịch, những cơ hội mới từ các nền tảng số, cơ hội từ phát triển hạ tầng năng lượng, cơ hội đầu tư vào ngành chăm sóc sức khoẻ, cơ hội từ xu hướng sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội từ sản xuất hàng xuất khẩu tận dụng EVFTA và RCEP. Kinh tế Internet là một điểm sáng trong bức tranh đại dịch tối tăm mà Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng 5% trong khu vực ASEAN. Trong đó, có một loạt nhóm hàng tăng trưởng mạnh liên quan đến thương mại điện tử như may mặc, hàng điện tử và thực phẩm. Những mảng như cho vay hay dịch vụ giáo dục, giải trí, nội dung số cũng tăng mạnh. Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cần tái cấu trúc trên cơ sở: nhận ra xu thế; tận dụng lợi thế; sáng tạo không ngừng; kết nối khôn ngoan; quản trị rủi ro.

- Tổ chức một số hội thảo chuyên đề: Phối hợp với Hội đồng Tư vấn Khoa học giáo dục & Môi trường (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam” và Trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn “Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam 2020”, Toạ đàm “Tăng cường kết nối chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam” tại Hà Nội; Diễn đàn Xuất khẩu trực tuyến ngành hàng Thực phẩm và Đồ uống 2020, phối hợp với Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa Tokyo tổ chức buổi Giao lưu Thương mại trực tuyến Việt Nam – Nhật Bản về thiết bị và môi trường, Hội thảo “Phòng vệ thương mại - Công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập” tại TP.HCM; Tọa đàm “Chuyển đổi số trong phát triển tổ chức và quản lý chất lượng dịch vụ doanh nghiệp” tại Hải Phòng; Hội thảo “Kết nối cung - cầu công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản cho các DNNVV” tại Nha Trang…

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Nơi nhận :

Như kính gửi;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   

 Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2020 (Tải về)