Đà Nẵng thông tin về việc bờ biển liên tục sạt lở

Qua kiểm tra thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng ghi nhận 6 khu vực bị xói lở. Hiện tượng này cũng đã xuất hiện trong các năm 2017, 2018 và xảy ra từ cuối tháng 12/2020 đến đầu tháng 1 năm nay.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, xói lở bờ biển tại khu vực bờ biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng to, gió mạnh và nước dâng trong bão, gió mùa đông bắc. Đến mùa khô, bãi biển được bồi trở lại, đến khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm thì bãi biển đạt chiều rộng lớn nhất.

Đến thời điểm này, bờ biển Đà Nẵng tuy có hiện tượng xói lở nhưng vẫn tương đối ổn định. Tại các khu vực xói lở, nước biển có xu hướng xói sâu vào bờ, hình thành các vũng xoáy, ăn sâu vào bãi cát, các vũng xoáy này thường xuyên dịch chuyển theo thời gian.

Về giải pháp nhằm hạn chế các tác động của xói lở bờ biển, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay, Sở đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thành phố. Trong đó, bao gồm việc tính toán, xác định khoảng cách xói lở bờ biển theo từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn và khoảng cách thích ứng với nước biển dâng, từ đó xác định độ rộng của hành lang bảo vệ bờ biển.

 

“Theo quy định của pháp luật về biển, trong khu vực hành lang là có hành vi nghiêm cấm xây dựng. Đối với trường hợp đã được phê duyệt, nằm trong hành lang thì cũng phải dừng xây dựng. Công trình nào đã tồn tại rồi có thể xem xét tuỳ theo tính chất, mức độ, vị trí tác động tiêu cực đến khu vực của biển. Khi ban hành xong về Hành lang bảo về bờ biển, chúng tôi sẽ có một trật tự quản lý mới hơn trên địa bàn TP Đà Nẵng đối với các công trình, dự án cũng như các hoạt động liên quan đến đới bờ biển trong khu vực này”./.

Theo Phương Cúc/VOV
https://vov.vn/xa-hoi/da-nang-thong-tin-ve-viec-bo-bien-lien-tuc-sat-lo-830459.vov