Palestine hướng tới cuộc tổng tuyển cử sau 15 năm: Kỳ vọng và hoài nghi

Người dân Palestine đang hướng tới các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống được tổ chức lần đầu tiên sau 15 năm. Đây được xem là 1 nỗ lực để hàn gắn sự chia rẽ nội bộ giữa các đảng phái chính trị Palestine, đặc biệt là giữa hai phong trào Fattah của Tổng thống Mahmoud Abbas và phong trào Hamas – lực lượng đang kiểm soát dải Gaza. Nếu các cuộc bầu cử thành công, có thể giúp Palestine “đoàn kết nội bộ”, chắc chắn người Palestine sẽ có tiếng nói “trọng lượng” hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình với phía Israel. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hoài nghi về tính hiệu quả của việc tổ chức các cuộc bầu cử này.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, cuộc bầu cử Quốc hội sẽ được tiến hành vào ngày 22/5 tới và cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào ngày 31/7, tại tất cả các vùng lãnh thổ của Palestine, bao gồm Bờ Tây, dải Gaza và Đông Jerusalem.

Quyết định tổ chức bầu cử của Palestine diễn ra sau nhiều nỗ lực đàm phán hòa giải giữa phong trào Fatah và Hamas thời gian qua. Phía Hamas (lực lượng kiểm soát dải Gaza) đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định tổ chức bầu cử, gọi đó là thành quả của quá trình hòa giải, khẳng định mong muốn các cuộc bầu cử sẽ diễn ra 1 cách công bằng và dân chủ.

Trong khi, nhiều người dân Palestine cũng tỏ rõ sự vui mừng.

 

 “Đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, được ghi nhận sau hơn 15 năm. Nói ngắn gọn, chúng tôi được cho là đang khởi xướng 1 Nhà nước. Do đó cần phải có nền dân chủ và dân chủ ở đây chính là bầu cử”, một người dân Palestine bày tỏ.

“Chúng tôi cần các cuộc bầu cử sau nhiều năm. Hiện tại chúng tôi đang ở trong 1 thời kỳ quan trọng về chính trị và xã hội. Không có các Nhà lập pháp là một vấn đề lớn đối với người dân”, một người khác cho biết.

Cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất tại Palestine diễn ra hồi tháng 1/2005 và bầu cử Quốc hội là tháng 1/2006 trước khi có những chia rẽ nội bộ giữa hai phong trào lớn nhất là Hamas và Fatah khiến đời sống chính trị tại Palestine bị đóng băng.

Trong khoảng 10 năm qua, cả 2 phong trào Fatah và Hamas đều công khai kêu gọi các cuộc bầu cử, song một cuộc bầu cử như vậy vẫn chưa thể diễn ra, bởi rất nhiều lý do. Tuy nhiên, lần này dường như đã khác, người Palestine đang đứng trước nhiều thách thức, cả bên trong lẫn bên ngoài, buộc họ phải đoàn kết lại.

Hiện đời sống người dân Palestine đang gặp không ít khó khăn, bởi các lệnh bao vây, cấm vận. Dịch Covid-19 càng khiến cuộc sống của họ bội phần “khó khăn”.

Trong khi đó, việc các nước Arab anh em “nối đuôi nhau” bình thường hóa quan hệ với Israel, bội ước với Sáng kiến hòa bình Arab, càng khiến các Đảng phái Palestine phải xem xét lại chính mình. Một cuộc bầu cử, hướng tới chấm dứt sự chia rẽ nội bộ là điều mà Palestine phải làm ngay lập tức, để tiếng nói của nước này trong đàm phán với Israel hay trên trường quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên, việc tổ chức được các cuộc bầu cử mới chỉ là thành công bước đầu. Kết quả cử các cuộc bầu cử sẽ như thế nào và cuộc khủng hoảng chính trị liệu có được hóa giải vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Thậm chí, thách thức tổ chức bầu cử vẫn đang gặp không ít khó khăn như việc liệu Israel có cho phép người Palestine tại các vùng đất chiếm đóng đi bầu cử hay không; Mỹ, Liên minh châu Âu liệu có chấp nhận việc Hamas – một tổ chức bị họ liệt vào khủng bố, tham gia vào cuộc bầu cử lần này.

Chuyên gia phân tích chính trị Hani Al Masri cho biết: “Sẽ có trở ngại từ Israel. Israel có tuyên bố chủ quyền với Jerusalem và việc Palestine tổ chức các cuộc bầu cử tại đây sẽ không đem lại lợi ích nào cho quốc gia này. Hơn nữa, họ không muốn sức mạnh của người Palestine được củng cố qua bầu cử - đó là 1 vấn đề rất quan trọng. Ngoài ra, hiện chưa rõ chính quyền mới của nước Mỹ do Tổng thống đắc cử Joe Biden lãnh đạo có đồng ý cho Hamas tham gia vào cuộc bầu cử khi đã liệt họ vào danh sách khủng bố. Tôi cho rằng Mỹ sẽ không đồng ý; nếu có, đó sẽ là một điều bất ngờ”./.

Theo Đình Nam/VOV1
https://vov.vn/the-gioi/palestine-huong-toi-cuoc-tong-tuyen-cu-sau-15-nam-ky-vong-va-hoai-nghi-831242.vov