Nếu dự án phải dừng, hàng triệu người lao động mất đi cơ hội có việc làm

Thưa ông, từ tháng 9.2020, Hòa Bình đã đề xuất thực hiện Dự án Tổ hợp TTTM, Outlet, nhà ở Hòa Bình lên UBND TP.Hà Nội. Vậy dự án sẽ mang lại những lợi ích, tác động tích cực gì cho kinh tế xã hội của TP. Hà Nội và đất nước?

Ông Nguyễn Hữu Đường: Tôi và tập thể anh em thương binh nặng Hòa Bình đã khát khao thực hiện Đề án xây dựng hệ thống TTTM miễn phí trên cả nước từ năm 2014. Để chứng minh đề án có thể thành công, năm 2015, Công ty đã dành 25.000m2 sàn tại TTTM Hòa Bình ở 505 Minh Khai, Hà Nội để miễn phí cho các doanh nghiệp trong nước làm nơi giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm của mình. Giá trị mặt bằng miễn phí từ năm 2015 đến nay là 1.253 tỉ đồng. Việc miễn phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả cao, giá bán rẻ hơn so với các TTTM khác tới 30%.

Với dự án Trung tâm thương mại, Outlet V+ tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh khi hoàn thành sẽ có hơn 465.000 m2 sàn thương mại đáp ứng hơn 10.000 gian hàng; hơn 100.000 m2 diện tích hậu cần kho bãi; 2,5 ha dành riêng cho khu làng nghề; 1 ha dành cho khu vực lễ hội; 2,5 ha là khu các cảnh quan - di tích nổi tiếng thế giới dát vàng … có thể phục vụ khoảng 500.000 khách/ngày. Dự kiến, đây sẽ là dự án TTTM, Oulet lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Lợi ích, tác động tích cực của dự án với nền kinh tế đặc biệt lớn: Thứ nhất, việc đầu tư dự án không sử dụng đến ngân sách nhà nước. Nhà nước sẽ không phải bỏ đồng nào để đầu tư dự án. Hòa Bình sẽ đóng góp nghĩa vụ tài chính để GPMB xây dựng hạ tầng, phát triển mạng lưới trung tâm thương mại kết nối các tỉnh phía Bắc, trở thành hệ thống tiêu thụ hàng hóa cho cả nước.

Thứ hai, dự án khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ đạt doanh thu 1000 tỉ đồng/ngày, tiền thuế mà Hà Nội thu được khoảng 100 tỉ đồng/ngày (36.000 tỉ đồng/năm), tạo ra khoảng 15.000 - 20.000 việc làm. Qua đó, sẽ hình thành một hệ sinh thái hàng trăm doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất phục vụ “siêu siêu thị” này hoạt động. Chưa kể, hàng chục ngàn thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là đối tác cung cấp hàng tại đây.

Thứ ba, Trung tâm thương mại V+ đi vào hoạt động năm 2022 dự kiến sẽ thu hút hàng chục triệu khách quốc tế đến Hà Nội du lịch, mua sắm, đồng thời sẽ có hàng trăm triệu người Việt đến Trung tâm thương mại, Outlet V+ mỗi năm.

Được biết, ngay sau đề xuất này của ông, dự án đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cả của Thành ủy Hà Nội. Vậy tại sao đến thời điểm này, sau hơn 4 tháng đề xuất, dự án vẫn chưa được lãnh đạo Hà Nội phê duyệt, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Đường: Như đã nói ở trên, dự án xây dựng chuỗi TTTM miễn phí đã được Hòa Bình ấp ủ nhiều năm và chúng tôi đã trình Đề án lên Thủ tướng đề nghị xin được thuê đất xây dựng TTTM tại 63 tỉnh, thành phố cả nước. Tháng 3.2017, Chính phủ đã họp với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Ngân hàng nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Văn phòng Chính phủ, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận là đề án của Hòa Bình là có hiệu quả, Chính phủ và các Bộ ngành ủng hộ.

Suốt 5 năm qua, Hòa Bình đã gửi nhiều văn bản, có nhiều buổi làm việc với các tổ chức, cơ quan trung ương và địa phương để đề nghị được thuê đất trả tiền hàng năm để xây dựng trung tâm thương mại theo cơ chế như các doanh nghiệp nước ngoài. Ý tưởng vừa khả thi, vừa hiệu quả cao đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, UBND các địa phương, song vì vướng nhiều cơ chế, chính sách về đất đai nên đến nay vẫn chưa thể triển khai đồng loạt.

Ngày 15.9.2020, Hòa Bình đã gửi Công văn số 209-2020/CV-HB tới UBND TP.Hà Nội đề nghị xin được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại huyện Đông Anh để thực hiện Dự án Tổ hợp TTTM, Outlet, nhà ở Hòa Bình theo quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn.

Ngày 10.11.2020, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã có Công văn số 69-CV/VPTU nêu ý kiến của Thường trực Thành ủy đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan, rà soát, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định và báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.

Mới đây, ngày 2.12.2020, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức cuộc họp liên ngành giữa các sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và UBND huyện Đông Anh về đề nghị cho phép chỉ định nhà đầu tư và đóng góp kinh phí GPMB thực hiện Dự án “Tổ hợp Trung tâm thương mại, Outlet và nhà ở Hòa Bình” tại xã Vĩnh Ngọc theo Quyết định 61/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong Kết luận 574/TB-VP ngày 7.12.2020, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư.

Ngày 24.12.2020, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.Hà Nội có công văn số 6422/KH&ĐT-NNS gửi Hòa Bình. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, văn bản trả lời này hoàn toàn không trên tinh thần giải quyết thấu đáo công việc. Thay vì đưa ra một phương án khả thi để dự án có thể triển khai khởi động ngay, mang lại việc làm cho hàng triệu người lao động và sức sống mới cho Đông Anh thì Sở lại dẫn văn bản 977/TB-UBND từ ngày 20.8.2019 thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP.Hà Nội tại cuộc họp về danh mục dự án kêu gọi đầu tư tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài. Trong đó có chỉ đạo rà soát lại toàn bộ danh mục kêu gọi đầu tư từ năm 2016 đến nay, đưa các dự án kêu gọi đầu tư tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài vào danh mục kêu gọi chung (trừ các dự án mà TP đã triển khai thực hiện), thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy trình pháp luật hiện hành (không chỉ định nhà đầu tư), phương thức thực hiện nghiên cứu theo 2 phương án: (1) Thành phố thực hiện GPMB, sau đó đấu giá quyền sử dụng đất; (2) Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo đúng quy định.

Với dự án của Hoà Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề xuất 2 phương án theo hướng trên. Tuy nhiên, tính khả thi của cả 2 phương án thì đều không có. Tại sao tôi nói vậy? Thứ nhất, nếu theo phương án 1 thì “khu đất do Công ty TNHH Hòa Bình đề xuất có 61,8 ha đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa GPMB”. Như vậy, để làm xong GPMB sẽ mất ít nhất 5 năm nữa mới có quỹ đất để đấu giá. Đất cứ để không và cơ hội đổi đời của người dân Đông Anh cũng xa vời!

Còn nếu theo phương án 2 là tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thì phương án này cũng không thực hiện được vì để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì thành phố phải có quỹ đất và phải có từ 02 nhà đầu tư trở lên tham gia, trong khi từ năm 2016 đến nay chưa có nhà đầu tư nào đề xuất đầu tư vào vị trí khu đất mà Hòa Bình đề xuất dự án.

Hơn nữa, có một việc tôi cần phải nói rõ là, dự án của chúng tôi đề xuất được chỉ định nhà đầu tư có mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài tỉ lệ 1/500 theo Quyết định 61/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 6630/2015 của UBND TP.Hà Nội. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có quyền chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất (theo khoản 3 điều 1 Quyết định 61/2015/QĐ-TTg).

Tại vị trí hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, UBND TP.Hà Nội cũng đã chỉ định 8 nhà đầu tư thực hiện dự án dọc hai bên đường tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài thì tại sao chúng tôi lại không được chỉ định thực hiện theo hình thức này? Các dự án được phê duyệt đến nay còn chưa khởi động xây dựng. Trong khi đó, nếu được chỉ định làm nhà đầu tư, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng luôn và chỉ trong 18 tháng sẽ đưa dự án TTTM, Oulet đi vào hoạt động. Hiện Hòa Bình đã chuẩn bị 800 tỉ đồng trong tài khoản công ty tại ngân hàng để đóng góp kinh phí cùng với UBND huyện Đông Anh thực hiện công tác GPMB cho dự án, đảm bảo dự án có thể khởi công sớm nhất.

Nếu dự án vẫn bị dừng lại thì điều ông cảm thấy tiếc nhất là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Đường: Nếu không được chỉ định làm nhà đầu tư chúng tôi buộc phải dừng dự án. Đây là điều vô cùng tiếc nuối khi tôi và anh em thương binh của Hòa Bình đã dành rất nhiều thời gian, tiền bạc, tâm huyết từ năm 2015 đến nay. Một điều nữa chúng tôi cảm thấy tiếc chính là tài nguyên đang bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, đi kèm với nó là cơ hội việc làm cho hàng triệu lao động và sức sống mới cho cả một vùng đất bị trôi vào lãng quên; cơ hội hỗ trợ công ăn việc làm cho người dân ở miền núi và tỉnh biên giới sẽ không thực hiện được; mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Nhà nước và Chính phủ cũng sẽ bị chậm lại.

Chúng tôi là những người lính, luôn mong muốn được đóng góp công sức xây dựng, phát triển đất nước. Sở dĩ nhiều năm nay Hòa Bình tâm huyết trong việc đầu tư các trung tâm thương mại có giá thuê mặt bằng thấp nhất và coi đó là một cách hỗ trợ hàng Việt Nam. Bởi vì tôi nghĩ, nắm được hệ thống phân phối sẽ chi phối mạnh đến hoạt động sản xuất. Hiện hệ thống phân phối 90% đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài nên việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước là vô cùng khó khăn. Nếu hệ thống trung tâm thương mại của Tập đoàn Hòa Bình hoàn thành, được Chính phủ và các tỉnh thành ủng hộ, thì đây sẽ là hệ thống trung tâm thương mại rất lớn, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất trong nước, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giúp cho doanh nghiệp Việt cất cánh.

Xin cảm ơn ông.