1. Vào thời gian COVID bùng phát ở nước ta, một khảo sát của VCCI cho thấy 80% doanh nghiệp nói rằng họ khó có khả năng trụ vững sau 1 năm, 50% doanh nghiệp khó duy trì sau 6 tháng nếu như Covid không được kiểm soát và các biện pháp giãn cách xã hội không được dỡ bỏ… May mà, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng lòng của toàn dân, Covid ở nước ta đã được kiểm soát tốt và bị đẩy lùi. Việc dỡ bỏ giãn cách xã hội trên diện rộng và quyết định mở cửa lại thị trường trong nước đã giúp doanh nghiệp tránh được tình trạng đổ vỡ hàng loạt.

Tuy vậy, dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp đã đẩy các doanh nghiệp Việt Nam và tình thế khó khăn. Nguồn cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn, đơn hàng sụt giảm, thị trường thu hẹp, việc đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động gặp thách thức, khả năng thanh khoản khó khăn... Trong một số ngành kinh tế như: du lịch, hàng không, kinh doanh nhà hàng … gặp khó khăn nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, với sự tiếp sức bằng những biện pháp hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Cộng đồng doanh nghiệp đã toả sáng ở khả năng vượt khó, sáng tạo và khả năng chống chịu tuyệt vời. Quần áo không tiêu thụ được thì chuyển sang sản xuất khẩu trang, đóng cửa nhà hàng thì bán hàng qua mạng,… Phần lớn các doanh nghiệp đã duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm được công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng. Bài toán lợi nhuận đã không đặt ra trong bối cảnh khó khăn, mà việc bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động là ưu tiên số một… Các hoạt động xã hội từ thiện vẫn thơm thảo, dù doanh nghiệp nào cũng đang phải gồng sức trước khó khăn.

Chúng ta tự hào có một thế hệ doanh nhân sáng tạo, nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm và có khả năng chống chịu kiên cường như vậy và chúng ta càng thấu hiểu rằng khả năng chống chịu chính là một năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp Việt và nền kinh tế Việt.

2. Những thành quả đạt được trong năm 2020, có nền tảng vững chắc là kinh tế vĩ mô ổn định và đà cải cách thể chế được tạo ra từ nhiều năm trước. Những nỗ lực hội nhập cũng góp phần quan trọng trong việc khai mở thị trường cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: Doãn Hiền)

Tôi nghĩ, Covid 19 đã giúp chúng ta hiểu hơn về đất nước, con người, về chế độ chính trị và cộng đồng doanh nghiệp của mình. Chúng ta yêu hơn mảnh đất này và có niềm tin mãnh liệt hơn vào con đường phía trước.

Thế giới cũng ngộ ra một Việt Nam – đất nước của ý chí sáng tạo, của tình người, của sự bao dung, điểm đến an lành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với việc tham gia vào các cuộc hội nhập đỉnh cao như CPTPP, EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam dù ở trình độ phát triển chưa cao, nhưng vẫn dũng cảm vươn tới các chuẩn mực toàn cầu.

Với hành trang đó, tôi tin rằng, năm 2021 sẽ bắt đầu một hành trình phát triển mới cho Việt Nam. Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng trên dưới 7 % cho năm tới như kỳ vọng, nhưng điều quan trọng nhất là Việt Nam sẽ không chỉ tăng trưởng cao, mà còn bền vững, an toàn và có khả năng chống chịu.

3. Thế giới xoay vần, nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc vào Đảng, vào hệ thống chính trị của mình. Những thành công kép của nhiệm kỳ vàng 2016 -2021 bắt nguồn từ những chủ trương và quyết sách với tâm thế “Thuận ý Đảng, hợp lòng Dân”. Tôi tin rằng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng sẽ là một đỉnh cao mới - nơi hội tụ của ý Đảng với lòng Dân. Đại hội đặt nền móng về chính trị, và tổ chức cho một giai đoạn phát triển bứt phá của đất nước tiến tới mục tiêu giàu mạnh, hùng cường.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khơi dậy những động lực mới đưa đất nước sớm đạt tới các mục tiêu này. Từ hành trình “thoát nghèo” tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Muốn “vượt bẫy thu nhập trung bình” phải vượt “bẫy chất lượng thể chế kinh tế trung bình”.

Nghị quyết của Đảng sẽ tiếp tục thúc đẩy chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, theo những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới, và hướng tới mục tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải lọt vào nhóm dẫn đầu trong ASEAN và hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế, tiếp theo làn sóng cải cách để thoát nghèo được khởi động từ hơn 30 năm trước, tôi kỳ vọng Đại hội sẽ khởi động làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế Việt Nam - làn sóng cải cách để trở nên giàu mạnh với 2 động lực chủ yếu: Đổi mới sáng tạo và Huy động sức dân. Cái gì Dân làm được thì để Dân làm, Nhà nước tập trung làm thể chế, làm “đôi cánh” cho Dân: “Trên đường dài, hai cánh đỡ ta đi”. Muốn tiếp sức được cho dân, trong nhiệm kỳ này chúng ta phải quyết đạt được mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo chuẩn mực phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3, nhóm 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất ASEAN và hướng tới chuẩn mực của các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. Nhiệm kỳ Đại hội này cũng cần là nhiệm kỳ tận lực phát triển kinh tế tư nhân, lan toả được tinh thần toàn dân khởi nghiệp, coi kinh tế tư nhân – kinh tế của nhân dân là động lực tăng trưởng chính, là rường cột của nền kinh tế nước nhà.

4. Là Tổ chức quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI sẽ tiếp tục hành trình vì doanh nghiệp: nói lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở nước ta. VCCI cũng sẽ phát huy vai trò người vệ sỹ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.

VCCI cũng là ông tơ, bà mối xe duyên cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân trong sự nghiệp kinh doanh. VCCI cũng sẽ là người đồng hành tiếp sức cho doanh nghiệp trong sự nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới các chuẩn mực toàn cầu…
Một vài nhiệm vụ cụ thể theo các định hướng trên sẽ là:

Một là, về thể chế: tập trung cho những hiến kế thúc đẩy chương trình rà soát pháp luật, xoá bỏ các điểm chồng chéo, xung đột, bảo đảm sự đồng bộ, thuận lợi, an toàn của môi trường thể chế.

Hai là, xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cấp cộng đồng doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi số, kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững. Hai tuyến hỗ trợ phải triển khai song hành là: Hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ và yểm trợ cho các doanh nghiệp lớn. Thúc đẩy tiến trình minh bạch hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hộ kinh doanh. Tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia có hiệu quả vào các chuỗi cung ứng toàn cầu…

Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cấp doanh nghiệp, chuyển đổi số và phát triển bền vững sẽ được triển khai rộng khắp.

VCCI luôn là người bạn đồng hành - người “thổi tù và hàng tổng” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Sáng tạo, nhân văn các Doanh nhân đã toả sáng thời COVID
Nhưng hành trình vì Đất nước hùng cường – đường vẫn còn xa
Mong Anh chị em hãy giữ trọn niềm tin Lạc Hồng con cháu
Người lính thời bình – sẽ chiến thắng vinh quang!

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp

https://enternews.vn/viet-nam-hung-cuong-doanh-nhan-nhung-anh-hung-thoi-binh-190875.html