FLC và kế hoạch tuyển dụng nhân sự “khủng” năm 2021

Tuyển dụng 3.000 nhân sự trong năm 2021

Bà Võ Thuỳ Dương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.

PV: Nhìn lại sau một năm, tình hình nhân sự của FLC trong năm 2020, bà có thể chia sẻ kế hoạch nhân sự năm 2021 của Tập đoàn?

-Trong một năm khá thách thức như 2020, FLC vẫn tuyển dụng gần 2.300 nhân sự, trong đó khối hàng không là hơn 700 người. Dự kiến trong năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển mới khoảng 3.000 nhân sự trên toàn hệ thống, trong đó mảng hàng không chiếm trên 30% với nhu cầu rất lớn về phi công, kỹ thuật và tiếp viên hàng không nhằm đáp ứng kế hoạch vận hành khoảng 50 máy bay của Bamboo Airways trong 2021. Như vậy, ước tính trong giai đoạn 2021 – 2022, đội ngũ nhân sự trên toàn hệ thống dự kiến khoảng 15 – 17.000 người.

PV: Đây là thông tin khá bất ngờ khi rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng như du lịch, hàng không… phải cắt giảm nhân sự?

-Từ cuối quý II/2020, FLC đã khôi phục hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực, đồng thời khánh thành nhiều dự án, khách sạn cũng như mở các đường bay mới...Và điều này đồng nghĩa với nhu cầu về nhân sự tiếp tục tăng trưởng. Ước tính FLC đang tuyển dụng cho khoảng trên 30 đơn vị với trên dưới 10 lĩnh vực, ngành nghề cốt lõi và tỷ lệ nhân sự quốc tế chiếm khoảng 7 - 10%.

Gia đình thứ nhất

PV: Tại một môi trường chuyên nghiệp và cũng nổi tiếng vì áp lực như FLC thì cách thức “giữ chân” nhân sự - đặc biệt là nhân sự chất lượng cao - có gì đặc biệt, thưa bà?

-FLC đang áp dụng hệ thống phúc lợi đa dạng với khoảng 24 chính sách. Trong đó, hệ thống lương được xây dựng và áp dụng linh hoạt theo năng lực của cá nhân và giá trị của vị trí, có sự cạnh tranh khá tốt trên thị trường lao động. Một trong các chính sách nổi bật khác là tạo cơ hội cho cán bộ nhân viên được thụ hưởng các sản phẩm chất lượng cao trong hệ sinh thái của Tập đoàn, từ chính sách vé máy bay miễn phí, phòng nghỉ dưỡng miễn phí, chính sách mua nhà ưu đãi, chính sách mua cổ phần ưu đãi, hay tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ hệ thống đối tác uy tín trong và ngoài nước của FLC.

PV: Nhưng liệu đãi ngộ về vật chất có luôn là chiếc chìa khoá vạn năng để giữ chân người tài?

Lương, thưởng, ưu đãi tất nhiên là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng tôi nghĩ việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp như một gia đình có thể xem là một lợi thế vô cùng hấp dẫn để thu hút nhân tài, mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được thành công. Chủ tịch Tập đoàn Trịnh Văn Quyết nhiều lần bày tỏ, hãy xem công ty như ngôi nhà thứ nhất, cũng như gia đình mình, và chính ông cũng là một tấm gương về điều này. Có lẽ đây mới là chiếc chìa khoá vạn năng thực sự trong việc giữ chân người tài tại gia đình FLC.

Mỗi nhân viên là một đại sứ

PV: Vậy các kế hoạch đào tạo của FLC và Bamboo Airways sẽ thế nào, thưa bà?

-Trong vài năm gần đây, FLC đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho đào tạo bao gồm các dự án đào tạo dài hạn như Trường Đại học FLC theo tiêu chuẩn quốc tế - mô hình “đô thị đại học” đầu tiên tại Quảng Ninh, hay Học viện Hàng không tại Quy Nhơn của Bamboo Airways với quy mô hàng nghìn học viên, và dự kiến sẽ có thêm một trung tâm đào tạo hàng không nữa tại Vĩnh Phúc theo kế hoạch. Đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways có thể nói đã chủ động hoàn toàn về nhân sự kỹ thuật và tiếp viên hàng không, trong đó, đội ngũ tiếp viên hàng không được đánh giá có kỹ năng và thái độ phục vụ tốt nhất trong ngành, tương đương chuẩn mực của các hãng hàng không 5 sao quốc tế.

Chương trình đào tạo phi công tập sự đang được triển khai với nhiều kết quả tích cực, với gần 50 phi công được đào tạo trong 2020 và kế hoạch đào tạo thêm 150 phi công cơ bản và tập sự trong 2021. Ước tính đến 2023, hãng cũng sẽ tự chủ hoàn toàn về nhân sự phi công.

PV: Có điều gì đặc biệt trong quá trình đào tạo này không, thưa bà?

-Chúng tôi có quan điểm: mỗi nhân viên cũng chính là một đại sứ của thương hiệu. Và với những ngành đặc thù như du lịch hay hàng không, thì nhân viên không chỉ là đại sứ của doanh nghiệp, mà đôi khi còn như đại sứ của cả một địa phương, một quốc gia. Tiếp viên hàng không sẽ là người đầu tiên đón tiếp và phục vụ du khách, rồi sau đó sẽ đến nhân viên tại các quần thể, resort, cơ sở lưu trú.

Mỗi quần thể của FLC có thể phục vụ cùng thời điểm từ 3.000 – 5.000 lượt du khách, và chúng tôi liên tục phải tập huấn và điều phối nhân sự sao cho chất lượng dịch vụ chuẩn 5 sao luôn được duy trì mọi lúc mọi nơi, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất. Và tôi đang nhìn thấy điều này ở FLC cũng như Bamboo Airways...

PV: Xin cảm ơn bà!