Người dân khốn khổ, bất an vì nhà máy chậm di dời

Ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Trước tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống quanh khu vực Công ty Cổ phần xây lắp và Cơ khí cầu đường (số 460 Trần Quý Cáp), từ năm 2017 đến nay, bà con tổ dân phố số 13 tiếp giáp với công ty nhiều lần gửi đơn phản ánh, kiến nghị đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Theo ông Bùi Tuấn Vượng - Tổ phó tổ dân phố số 13 (phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP.Hà Nội), việc các đơn vị sản xuất, giấy và in ấn thuê tại địa chỉ 460 Trần Quý Cáp nhiều năm nay đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nhất là dãy nhà A1 và A2 liền kề. Cũng theo ông Vượng, hiện người dân sống tiếp giáp khu vực công ty hàng ngày không dám mở cửa do mùi sơn, hóa chất bay ra từ các xưởng in. Không những thế vào ban đêm, nhiều người không thể ngủ được, đặc biệt là những người cao tuổi do bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ hoạt động sản xuất ban đêm gây ra.

Đặc biệt, người dân luôn nơm nớp lo sợ việc cháy nổ từ những nhà xưởng cũ nát gây ra vì năm 2018, khu vực này từng xảy ra hỏa hoạn, nhưng rất may đã được khống chế, không gây thiệt hại nhiều về tài sản. Nhiều lần tổ dân phố đã kiến nghị với lãnh đạo công ty, theo đó đề xuất công ty không bố trí nhà xưởng ở những nơi giáp ranh với khu dân cư mà chỉ nên làm nhà kho nhưng không được giải quyết.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Công ty Cổ phần xây lắp và Cơ khí cầu đường (460 Trần Quý Cáp) cho biết, khu vực này rất rộng, bao gồm 17 đơn vị của đường sắt như: Đoàn tiếp viên, đầu máy, thông tin, khu vực ga Hà Nội… Riêng công ty quản lý hơn 10.000 mét vuông. Theo dự kiến đơn vị sẽ được chuyển đổi về khu vực Ngọc Hồi (Thanh Trì) theo danh sách di dời của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, khu vực dự kiến được chuyển đến vẫn đang thực hiện san lấp mặt bằng, chưa thể bàn giao. Trước đó, đơn vị có xưởng đúc má phanh tàu hoả xử dụng than cốc rất bụi và nóng, gây ô nhiễm môi trường. Do đó để phục vụ kế hoạch di dời, đơn vị buộc phải vay vốn ngân hàng để đầu tư dây chuyền nhà máy mới tại huyện Thường Tín.

Đi không được, ở không xong

Trong cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động, Giám đốc Cty Cổ phần xây lắp và Cơ khí cầu đường - ông Đào Đức Hồng, cho biết thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị tuyến số 1 từ ga Giáp Bát đến ga Long Biên, từ năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt phương án đầu tư xây dựng và đến 2013, UBND TP.Hà Nội có Quyết định số 945/QDD-UBND phê duyệt chỉ giới đường đỏ đường sắt đô thị (hành lang an toàn đường sắt đô thị) tuyến Giáp Bát - ga Long Biên Nam giai đoạn 1. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2017, nhưng đến nay sau một vài lần khảo sát, mọi việc dường như vẫn đang nằm trên giấy và chưa có phương án đền bù để đơn vị di chuyển đển địa điểm mới.

Mặt khác tại địa điểm, khảo sát của PV Báo Lao Động cho thấy tình hình giao thông ngày càng bế tắc, nếu không có dự án đường sắt số 1 thì hiện tại các sản phẩm của đơn vị phần lớn là các thanh ray, dầm cầu nặng, cồng kềnh dài từ 12m đến 25m không thể vận chuyển sản phẩm vào ban ngày được mà phải thực hiện vào ban đêm (từ 22h đến 4h sáng hôm sau). Do đó, để đảm bảo sản xuất kinh doanh, phục vụ vận tải của ngành đường sắt, từ năm 2000, công ty đã chủ động tìm nguồn vốn vay để đầu tư mặt bằng, nhà xưởng tại cụm công nghiệp Hà Phương Bình (Thường Tín, Hà Nội) để hoạt động.

Hiện tại địa chỉ 460 Trần Quý Cáp chỉ còn duy trì một phần hoạt động cơ khí, một số diện tích làm kho, văn phòng và một phần diện tích còn lại tận dụng cho các đơn vị khác thuê để có tiền trả tiền thuê đất và lãi vay ngân hàng. Nhưng đây là đất dự án chờ bàn giao cho chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng chỉ được khai thác nguyên trạng, không được phép sửa chữa nên hiệu suất sử dụng đất thấp.

Dự án Xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên (Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên) sử dụng vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) được thiết kế 16 nhà ga, với tổng chiều dài là 28,7km với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 9.197 tỉ đồng. Dự án có điểm đầu nằm tại ga Ngọc Hồi và điểm cuối ở ga Yên Viên. Trong đó các ga: Ngọc Hồi, Giáp Bát, Hà Nội, Gia Lâm và Yên Viên là 5 nhà ga được dùng giữa tuyến đường sắt đô thị và tuyến đường sắt quốc gia. Được phê duyệt từ năm 2008 và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2017, dự án đến nay vẫn đang nằm... trên giấy.