Sau hồ tiêu, xuất khẩu caosu "bứt tốc"

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), ước tính khối lượng xuất khẩu caosu tháng 2.2021 đạt 130 nghìn tấn với giá trị đạt 211 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu caosu 2 tháng đầu năm 2021 đạt 320 nghìn tấn và 516 triệu USD, tăng 89,9% về khối lượng và gấp 2,1 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Giá caosu xuất khẩu bình quân tháng 1.2021 đạt 1.608 USD/tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu thống kê, hỗn hợp caosu tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) vẫn là chủng loại caosu được xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 1.2021, với khối lượng đạt 127,33 nghìn tấn, trị giá 201,01 triệu USD.

Mặt hàng này chiếm tỉ trọng 67,1% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.

“Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ caosu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1.2021, chiếm thị phần lần lượt là 72,7%, 4,6% và 2,7%”-TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), cho biết.

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỉ USD/năm, ngành caosu đã trở thành một trong những ngành hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, yêu cầu phát triển bền vững đang là bài toán đối với ngành sản xuất tiềm năng này.

Theo Hiệp hội Caosu Việt Nam, việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.

Trên thực tế, ngành caosu Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, ổn định về diện tích, gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, đồng thời thúc đẩy sử dụng gỗ caosu là nguyên liệu thân thiện môi trường, giảm rủi ro về thị trường và biến đổi khí hậu với những mô hình trồng xen hoặc trồng kết hợp để đa dạng nguồn thu nhập, tăng cường trữ lượng cácbon, giảm hóa chất, ít phát thải khí nhà kính…