Bài 1 - Nợ công Việt Nam: Tỷ lệ vay nước ngoài ngày càng giảm

trang 6
Nhiều công trình giao thông được xây từ nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này điều đầu tiên là phải nhận diện đúng thực trạng nợ công, để đánh giá xem nợ công Việt Nam đã cao tới mức nguy cơ chưa, cơ cấu nợ có phù hợp hay không, số liệu nợ công chính thức đã phản ánh chính xác, phù hợp thông lệ quốc tế chưa và giải pháp nào để đảm bảo an toàn nợ công?

Nhìn lại bức tranh nợ công của Việt Nam từ khi thống nhất đất nước đến nay, có thể thấy khá nhiều “thăng trầm”. Mặc dù những năm gần đây, tốc độ gia tăng của nợ công tăng, song cơ cấu nợ công của Việt Nam đang từng bước được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn với tỷ trọng nợ nước ngoài ngày càng giảm.

Năm 2015, lần đầu tiên huy động nợ công đã giảm

Nhìn lại bức tranh nợ công của Việt Nam từ khi thống nhất đất nước, có thể thấy  khá nhiều “thăng trầm”. Từ thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, nợ nước ngoài của Việt Nam đã có lúc chiếm tới 147% GDP, trong đó nợ quá hạn chiếm tới trên 75%.

Từ năm 1993 – 2000, Việt Nam đã từng bước tái cơ cấu nợ, xử lý nợ và đến năm 2000, Việt Nam hầu như không còn nợ quá hạn. Tỷ lệ dư nợ chính phủ/GDP giảm từ mức 147% năm 1993 xuống còn 33% vào cuối năm 2000. Các khoản nợ nước ngoài sau tái cơ cấu phần lớn được gia hạn trả trong vòng 20 – 30 năm, nghĩa vụ trả nợ gốc tập trung vào giai đoạn từ năm 2010.

Giai đoạn 2001 – 2009, Việt Nam tập trung huy động vốn vay ODA, kết hợp đẩy mạnh vốn trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP). Giai đoạn 2010 – 2015, tổng huy động nợ công của Việt Nam bình quân 14% GDP. Theo số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), huy động nợ công tăng nhanh trong giai đoạn này, bình quân là 16,7%/năm, đỉnh điểm là năm 2012 và 2013 với tốc độ tương ứng là 31,5% và 26%. Tuy nhiên, đến năm 2015, huy động nợ công lần đầu tiên đã giảm đáng kể, ở mức âm 6,7%.

Rủi ro nợ công không lớn

Về cơ cấu nợ, đến cuối năm 2015, nợ chính phủ chiếm 80,8% tổng dư nợ, nợ chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và còn lại là nợ chính quyền địa phương. Trong nợ chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015 và nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 61% năm 2011 xuống còn 43% năm 2015. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ các khoản vay ODA, ưu đãi trong nợ nước ngoài chiếm trên 94%. Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), do tỷ lệ nợ công được huy động trong nước lớn, rủi ro xảy ra khủng hoảng thanh toán nợ ở Việt Nam về lý thuyết là không lớn.

Tuy nhiên, một báo cáo của VEPR lưu ý là do cách tính nợ công của Việt Nam chưa đồng bộ với chuẩn mực thế giới nên có sự khác biệt giữa số liệu công bố của Chính phủ và của các tổ chức độc lập. Một tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ lệ nợ công của Việt Nam năm 2014 vào khoảng 59,6% GDP, thấp hơn số liệu chính thức. Số liệu của The Economist năm 2015 lại cho thấy tỷ lệ nợ công của Việt Nam có xu hướng giảm dần cho dù số nợ tuyệt đối tăng. The Economist ước tính tỷ lệ nợ công của Việt Nam năm 2010 là 54% và giảm dần còn 46,3%/GDP vào năm 2015, thấp hơn con số ước tính của Chính phủ là trên 60%.

Bên cạnh đó, việc xác định tỷ lệ nợ công thế nào là phù hợp cho tăng trưởng, thế nào là đáng báo động tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Theo nghiên cứu của một số nhà kinh tế được VEPR trích dẫn, ngưỡng cho quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng dài hạn là 90% GDP, nếu cao hơn mức này, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 1%. Trên thực tế, nhiều nền kinh tế lớn cũng đang có tỷ lệ nợ công rất cao như Mỹ là 104,5% GDP, Nhật Bản lên tới 243,2% GDP, hay của một nước Đông Nam Á là Singapore cũng lên tới 103,8% GDP. 

Cơ cấu nợ trong nước/nước ngoài phù hợp

Đối với Việt Nam, một đặc điểm của nợ công là tuy tỷ lệ tổng nợ trên GDP tương đối cao, nhưng phần lớn là nợ trong nước. Tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP khá ổn định trong giai đoạn 2010 – 2015, trong khoảng 26,6% - 28,7%. Mức này, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, là ngưỡng phù hợp với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (nằm giữa mức tối ưu là 20 – 25% và mức tới hạn là 35 – 40%). Việc gia tăng tỷ lệ nợ nước ngoài có thể không mang lại hiệu quả tích cực cho tăng trưởng.

Qua những số liệu trên, có thể nhận định hiện tại nợ công của Việt Nam ở mức tương đối cao nhưng do nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn, nên rủi ro nợ công chưa đến mức nguy hiểm. Một đặc điểm nữa làm giảm rủi ro nợ công là vốn vay nước ngoài chủ yếu là ODA, thường có thời hạn dài, lãi suất thấp, ít áp lực hơn so với phát hành trái phiếu ngoại tệ. Cơ cấu nợ trong nước/nước ngoài ở ngưỡng phù hợp.

Để nợ công thực sự hiệu quả, là công cụ tài chính để phát triển kinh tế thì vấn đề đặt ra là phải tăng cường hiệu quả của việc sử dụng nợ công, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay. Đi cùng với đó là hoàn thiện chính sách quản lý nợ, đồng bộ hóa chuẩn mực thống kê nợ công phù hợp với thông lệ quốc tế, phát triển bộ công cụ quản lý rủi ro chuyên nghiệp để tăng tính chủ động, linh hoạt trong quản lý nợ công. 

Theo H.Y(Thời báo tài chính Việt Nam)