Thớt nghiến công khai về phố sau những "bộ hồ sơ quyền lực"!

Thớt nghiến bán công khai, có “bảo hành”

Trong vai những người đi mua thớt, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự tự tin của những người chủ đang kinh doanh thứ mặt hàng gỗ thuộc nhóm IIa vốn được coi là hàng cấm này. Thớt nghiến vuông, tròn, dày, mỏng được bày bán la liệt với đủ kích cỡ. Giá tiền cũng theo đó mà giao động từ vài chục nghìn cho đến vài trăm, thậm chí có những chiếc thớt đường kính khoảng 70cm được niêm yết giá từ 2,5 - 3,5 triệu đồng.

Chủ cửa hàng đầu tiên chúng tôi tiếp cận là một phụ nữ khoảng gần 50 tuổi, chị nhiệt tình giới thiệu về công dụng của thớt nghiến và độ “xịn” của loại gỗ rừng được lấy về từ trên núi đá. Chị cũng cho biết thớt nghiến tại đây hầu hết được cắt sẵn từ rừng mang về, chỉ thêm công đoạn đánh bóng, dán tem và đóng túi nylon rồi bày lên kệ bán. Khi chúng tôi bày tỏ sự lo lắng về việc vận chuyển và nếu mua số lượng lớn mang về xuôi có thể bị lực lượng chức năng bắt giữ thì người này khẳng định chắc như đinh… đóng cột nghiến: “Em cứ chụp hình qua chị, lưu số điện thoại, chị sẽ bảo kê cho em mang về tận nhà”.

Dạo qua một vài điểm khác có thể thấy, mỗi cửa hàng luôn bày bán hàng trăm chiếc thớt xen lẫn những sản vật từ rừng. Một chủ cửa hàng còn khẳng định, nếu khách hàng muốn mua buôn với số lượng lớn thì chỉ cần giao tiền cọc và cho địa chỉ là sẽ có xe tải chở hàng đến tận nơi. Thậm chí người phụ nữ này còn khẳng định “em muốn đặt bao nhiêu cũng có”. Theo tìm hiểu của phóng viên, bình quân 1 cửa hàng ở khu vực này mỗi ngày bán được từ 50 - 100 chiếc thớt. Khi chúng tôi thâm nhập vào phía sau của cửa hàng này còn được chứng kiến cả một “xưởng mộc” đang thực hiện các công đoạn để hoàn thiện những chiếc thớt nghiến thành phẩm. Ở khu vực vệ sinh còn có cả những khúc gỗ lớn mà ngành kiểm lâm thường gọi là “loóng” đang được cất giấu.
Kho tang vật tại Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG
Kho tang vật tại Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Từ nhiều năm qua, tình trạng buôn bán thớt nghiến tại khu vực đỉnh đèo Pha Đin đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đã có nhiều đoàn công tác với những cuộc kiểm tra lớn nhỏ nhưng đều không đưa ra được kết luận về các sai phạm. Những chủ cửa hàng buôn bán thớt nghiến đều xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ mà họ đã có được từ nhiều năm trước!?

Những bộ hồ sơ được phù phép

Theo ông Trần Quốc Khánh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên - một trong những nơi được coi là có trữ lượng gỗ nghiến lớn còn tồn tại trong rừng tự nhiên thì việc quản lý, xử lý vi phạm còn có nhiều bất cập bởi những quy định. Trong đó, theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT, ngày 16.11.2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì còn có nhiều điểm gây khó khăn trong công tác xử lý và chứng minh nguồn gốc lâm sản.

Cũng theo giải thích của ông Khánh về những trường hợp bị bắt quả tang khi vận chuyển thớt nghiến ra khỏi địa bàn mà không bị xử lý, là bởi vì trước đó, các đối tượng này đã mua thanh lý tang vật vi phạm nên có những bộ hồ sơ hợp pháp. Do vậy, đối tượng thường câu kết với người dân địa phương, có sự thống nhất về số lượng, khối lượng và kích cỡ khớp với hồ sơ. Vì vậy, khi bị phát hiện những đối tượng này chỉ cần trình “hồ sơ cũ” là cơ quan chức năng cũng phải “bó tay.” Để tránh những khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, từ năm 2018 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã dừng việc thanh lý tang vật trong các vụ vi phạm, thế nhưng những bộ hồ sơ cũ mà các đối tượng vận chuyển lâm sản đang có thì vẫn còn nguyên giá trị.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, trong năm 2019 lực lượng chức năng đã phát hiện 38 vụ vi phạm, năm 2020 phát hiện 37 vụ vi phạm các quy định về buôn bán, vận chuyển và cất giấu lâm sản. Trong số 37 vụ của năm 2020 thì có 30 vụ vận chuyển lâm sản, chiếm khoảng 90%, còn lại là các trường hợp cất giữ lâm sản. Ông Khánh cũng cho biết đối tượng vận chuyển chủ yếu dùng xe máy và hoạt động vào ban đêm. Khi phát hiện nếu truy đuổi có thể dễ xảy ra tai nạn nên lực lượng chức năng chủ yếu tập trung vào việc truy tìm nơi cất giấu lâm sản.

Trao đổi về những bất cập này, ông Hà Lương Hồng - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên - cho biết: “Các đối tượng vận chuyển lâm sản có trong tay những bộ hồ sơ hợp pháp, khớp về số lượng và chủng loại so với số lâm sản được vận chuyển nên cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý. Mặt khác những bộ hồ sơ đó không có điểm kết thúc nên khó khăn trong việc xác định vi phạm”. Ông Hồng cũng giải thích thêm, nếu khi anh bán hết số tang vật thanh lý thì bộ hồ sơ sẽ hết giá trị thế nhưng bán khi nào, bán ở đâu thì lại không nằm trong phạm vi, thẩm quyền của cơ quan chức năng nên không thể kiểm soát được.

Như vậy là với những bộ hồ sơ đầy “quyền lực”, các đối tượng buôn bán, vận chuyển lâm sản vẫn có thể ung dung hoạt động mà không gặp phải trở ngại nào. Tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật như vậy sẽ được các cấp chính quyền và lực lượng chức năng xử lý ra sao? Trước mắt chỉ thấy rằng, máu rừng vẫn âm thầm chảy…

“Các đối tượng vận chuyển lâm sản có trong tay những bộ hồ sơ hợp pháp, khớp về số lượng và chủng loại so với số lâm sản được vận chuyển nên cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý. Mặt khác những bộ hồ sơ đó không có điểm kết thúc nên khó khăn trong việc xác định vi phạm” (ông Hà Lương Hồng - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết).