Tiếp tục bổ sung chế tài để quản lý giá cước vận tải

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, cử tri các tỉnh Nghệ An, Phú Thọ, Bình Dương, Bình Định đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm, khắc phục tình trạng các phương tiện vận tải hàng hóa, xe khách, taxi tăng giá cước vận tải hoặc giảm không tương xứng khi giá xăng dầu giảm gây bức xúc cho người dân.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời cử tri các tỉnh như sau:

Thị trường vận tải ô tô hiện có rất nhiều hãng vận tải đang cạnh tranh quyết liệt. Theo quy định tại Luật Giá và văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan thì Nhà nước thực hiện quản lý giá cước vận tải ô tô theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Theo đó, các doanh nghiệp vận tải được tự quy định giá cước vận tải và thực hiện niêm yết giá, kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương theo sự phân công của UBND tỉnh (Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Tài chính hoặc UBND cấp huyện). Nhà nước không áp đặt và duyệt giá cước vận tải mà chỉ theo dõi, giám sát thông qua văn bản kê khai giá của doanh nghiệp và chỉ thực hiện thanh, kiểm tra khi cần thiết.

Qua tổng hợp ý kiến của các địa phương cho thấy, nhờ áp dụng biện pháp niêm yết và kê khai giá cước vận tải nên mặt bằng giá của thị trường vận chuyển hành khách bằng ô tô được thiết lập ổn định, giá cước được điều chỉnh cơ bản phù hợp với diễn biến giảm của giá nhiên liệu; và trong nhiều thời điểm, khi giá nhiên liệu tăng doanh nghiệp vận tải cũng không thể điều chỉnh tăng giá cước do tình hình cạnh tranh trên thị trường rất mạnh, từ đó đã góp phần bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, bên cạnh những đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm túc pháp luật về kê khai, niêm yết giá vẫn còn có những đơn vị kinh doanh vận tải chưa chủ động, chậm kê khai giảm giá trước diễn biến giảm của giá nhiên liệu. Điều này đã phần nào gây tâm lý không tốt trong dư luận xã hội.

Vì vậy, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhắc nhở hoặc thành lập các đoàn kiểm tra để yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát, kê khai giảm giá phù hợp với diễn biến giảm của giá nhiên liệu.

Do đó, trong năm 2014, 2015, hầu hết các đơn vị vận tải trên cả nước đã kê khai giảm giá cước, nhiều đơn vị kê khai giảm giá 2 đến 3 đợt/năm; số lượng các đơn vị vận tải kê khai giảm giá tại các địa phương và tỷ lệ giảm giá mỗi loại hình xe, mỗi tuyến vận tải là khác nhau nhưng tổng hợp lại thì phần lớn các đơn vị vận tải đã kê khai giảm tỷ lệ phổ biến từ 3-5% trên mỗi lần kê khai giảm; chỉ số giá nhóm giao thông năm 2014 so với năm 2013 là 101,61%, năm 2015 so với năm 2014 là 88,08%.

Tiếp tục bổ sung chế tài để quản lý giá

Để tiếp tục quản lý giá cước vận tải ô tô hiệu quả hơn theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, hiện nay, các Bộ, ngành đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan cho phù hợp với thực tế phát sinh; trong đó, Bộ Tài chính đang tiếp tục trình Chính phủ xem xét bổ sung chế tài trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Đồng thời, Bộ Tài chính đang chủ trì dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Theo đó, để tăng tính hiệu quả, kịp thời trong công tác quản lý giá sản phẩm, dịch vụ chuyên ngành; dự thảo đã hoàn thiện theo hướng tăng tính tự chủ và nâng cao vai trò của các Bộ và cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực hoàn thiện quy định pháp luật của cơ quan quản lý Nhà nước thì cần có sự phối hợp tích cực từ phía các đơn vị kinh doanh vận tải, sự tuyên truyền tích cực của các Hiệp hội để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giá của các đơn vị kinh doanh vận tải ô tô; tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý đồng bộ của cơ quan quản lý, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành và sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của các địa phương.

Theo Chinhphu.vn