Bão mặt trời quét qua sao Hỏa ngay sau chuyến bay của trực thăng NASA

Tàu vũ trụ STEREO-A của NASA và tàu SOHO của ESA/NASA đã phát hiện ra bão mặt trời, hay còn gọi là CME, phát ra từ mặt trời lúc 12h36 ngày 17.4, giờ EDT, tức 23h36 cùng ngày, giờ Việt Nam.

CME này không tác động đến trái đất nhưng đã di chuyển về phía sao Hỏa, đi qua hành tinh đỏ vào đêm muộn và sáng sớm ngày 21 và 22.4.

Ảnh: NASA.
Hình ảnh bão mặt trời do tàu vũ trụ của NASA ghi lại. Ảnh: NASA.

Bão mặt trời đến sao Hỏa 2 ngày sau khi trực thăng sao Hỏa của NASA Ingenuity thực hiện chuyến bay lịch sử trên hành tinh đỏ.

NASA theo dõi các cơn bão mặt trời tương tự bởi hiện tượng này có thể gây ra sác sự kiện hạt và bức xạ đặt ra nguy cơ cho các phi hành gia và các thiết bị điện tử nhạy cảm của tàu vũ trụ.

Hình ảnh từ tàu vũ trụ STEREO-A về bão mặt trời. Ảnh: NASA.
Hình ảnh từ tàu vũ trụ STEREO-A về bão mặt trời. Cơn bão này quét qua sao Hỏa chỉ vài ngày sau chuyến bay lịch sử của trực thăng Ingenuity. Ảnh: NASA.

Khi các phi hành gia vượt qua từ trường bảo vệ của trái đất đến mặt trăng và sao Hỏa, Văn phòng Thời tiết Không gian Vũ trụ mặt trăng tới sao Hỏa của NASA đặt tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, phối hợp với Trung tâm Mô hình Điều phối Cộng đồng theo dõi hoạt động của mặt trời để phát các cảnh báo cho tàu vũ trụ và các phi hành đoàn, cơ quan vũ trụ Mỹ cho hay.

Bão mặt trời mới nhất vừa được phát hiện khá chậm, theo NASA. Bão mặt trời này di chuyển với vận tốc khoảng 700 đến 800 km mỗi giây. Sự kiện này không gây ra vấn đề gì đáng lo ngại và sứ mệnh trực thăng sao Hỏa Ingenuity của NASA cũng không cần triển khai bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ trực thăng.