Sửa quy định về kiểm toán độc lập đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về phạm vi kiểm toán độc lập nhằm bảo đảm phù hợp với một số quy định mới về kiểm toán độc lập tại Luật các Tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và Điều 5 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).

Dự thảo quy định, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định tại Điều 147 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung); ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định tại Điều 151a Luật các Tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).

Giới hạn phạm vi kiểm toán hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 về nội dung kiểm toán độc lập hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, nội dung kiểm toán bao gồm:

a- Kiểm toán tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b- Kiểm toán hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính;

c- Ngoài nội dung kiểm toán quy định tại Điểm a và Điểm b, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện kiểm toán hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ đối với nội dung đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống kiểm soát nội bộ;

d- Nội dung kiểm toán hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước quy định tại Điểm b và Điểm c phải đảm bảo các yêu cầu: Hiệu quả và an toàn trong hoạt động; bảo vệ, quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả tài sản và các nguồn lực; hệ thống thông tin tài chính và thông tin quản lý trung thực, hợp lý, đầy đủ, kịp thời.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như các tổ chức kiểm toán độc lập đều gặp khó khăn, vướng mắc trong việc kiểm toán hệ thống kiểm soát nội bộ do nội dung và phạm vi hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ rất rộng.

Do đó, để bảo đảm các đơn vị có thể triển khai trên thực tế, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung theo hướng trước mắt Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dẫn thực hiện kiểm toán hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ theo từng cấu phần quy định tại Thông tư 44/2011/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN và về lâu dài sẽ hướng dẫn tiếp các cấu phần khác để đảm bảo thực hiện kiểm toán độc lập tất cả hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết trong các nội dung hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ thì nội dung đánh giá nội bộ về mức đủ vốn là nội dung mới, quan trọng, áp dụng nhiều kỹ thuật phức tạp nhằm thực hiện quy định về an toàn theo hướng dẫn của Ủy ban Basel (trụ cột 2 Basel II) cho các ngân hàng thương mại, chi nhánh Ngân hành Nhà nước nên việc yêu cầu kiểm toán độc lập hệ thống kiểm soát nội bội đối với nội dung này là cần thiết.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Báo Chính phủ

http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Sua-quy-dinh-ve-kiem-toan-doc-lap-doi-voi-chi-nhanh-ngan-hang-nuoc-ngoai/429578.vgp