Kỳ cuối và hết: Những cam kết để ngành hàng tỷ đô duy trì và phát triển

 

Xuất khẩu sản phẩm dệt may được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 (Ảnh minh hoạ)

Nắm luật chơi

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 hiệp định thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương  (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. 

Trong tháng 3 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 30 tỷ USD, tăng tới 46,8% so với tháng 2. Trong tháng 3, có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may; giày dép. Lũy kế hết quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 78,4 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng chính thức được ký kết. Quy mô thị trường của RCEP lớn hơn gần 5 lần so với CPTPP, với gần gấp đôi giá trị thương mại hằng năm và tổng sản phẩm quốc nội của CPTPP. EVFTA với quy mô chiếm 30% tổng GDP toàn thế giới, RCEP cũng tương tự với 2,2 tỷ người tiêu dùng và cũng chiếm tới hơn 30% của GDP.

Chỉ cộng dồn 2 khu vực này, Việt Nam đã thâm nhập vào khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu với những cắt giảm thuế quan sâu rộng và những cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam.

Nếu như ví những Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang có là những “cao tốc” đưa hàng Việt đến với thế giới thì theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trương ương Trần Tuấn Anh, để di chuyển trên hệ thống 'cao tốc' thuận lợi, hiệu quả, Việt Nam phải có hệ thống biển báo hướng dẫn, có quy định để tổ chức vận hành, có hệ thống hạ tầng, đường đi lối dẫn để kết nối. Đặc biệt, phải có sự đào tạo để những chủ thể ở đây là các doanh nghiệp có thể nắm được luật chơi', khai thác tốt, khai thác sớm đường cao tốc.

Không phải ngẫu nhiên mà các FTA được coi như “cao tốc”, theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32% đến 34% mỗi năm.

“Kết quả này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam”, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Đơn cử, EVFTA dù mới được đưa vào thực thi từ tháng 8/2020 nhưng tính đến ngày 4/4/2021, hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 đã được cấp đi 27 nước EU, với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh châu Âu (EU) còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Để tận dụng những lợi ích từ các FTA, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trước hết doanh nghiệp phải hiểu rõ Hiệp định có thể mang lại thuận lợi gì trong lĩnh vực của mình, cho những mặt hàng của mình. Qua đó, doanh nghiệp có thể thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và được hưởng mức thuế thấp mà FTA mang lại.

Chưa kể đến việc nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế sẽ giúp Việt Nam tận dụng được các nguồn gốc xuất xứ cộng gộp trong EVFTA. “Ví dụ với mặt hàng dệt may, chúng ta có thể cộng gộp nguồn nguyên liệu vải Hàn Quốc. Đây cũng là thuận lợi mà chỉ có Hiệp định EVFTA mới có thể đem lại”, ông Hải phân tích.

Cam kết đẩy mạnh thuận lợi trong thông quan                      

Để tạo điều kiện cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Đồng thời, toàn hệ thống tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Tổng cục Hải quan cũng triển khai ứng dụng công nghệ mới trong trao đổi thông tin quản lý để doanh nghiệp không phải thực hiện việc báo cáo quyết toán định kỳ với hải quan.

Năm 2021 ngành thép được dự báo sẽ tăng trưởng tốt nhờ hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như thị trường bất động sản nóng trở lại. Ảnh minh hoạ

Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý hải quan cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Hải quan các đơn vị có đường biên giới đất liền chủ động tham mưu với tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tham gia trao đổi, hội đàm với các đơn vị chức năng của nước bạn để bàn các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu như: Kéo dài thời gian làm việc một ngày; có biện pháp phân loại, phân luồng hàng hóa; xử lý hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu, nhanh chóng khôi phục lại hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu sau thời gian tạm dừng…

Theo kết quả đo thời gian giải phóng hàng của Tổng cục Hải quan, thời gian thông quan hàng hóa (từ khi đăng ký chính thức tờ khai hải quan đến khi ra quyết định thông quan) trung bình đối với hàng xuất khẩu luồng xanh là chưa đến 0,5 giờ, đối với tờ khai luồng xanh không thuế là chưa đến 3 giây.

“Các thủ tục thông quan hàng hóa đối với luồng xanh áp dụng cho các DN có uy tín, hay chấp hành tốt các quy định của pháp luật hiện nay rất đơn giản, các DN này đều được miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, hàng hoá”, ông Âu Anh Tuấn cho biết.

Thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới (bao gồm thời gian để thực hiện thủ tục hành chính về hải quan và cả logistics) mất 5,1 giờ cho luồng xanh; 10,2 giờ cho luồng vàng và 13,2 giờ cho luồng đỏ.

Đáng chú ý, hiện nay hàng hóa xuất khẩu phần lớn không chịu sự điều chỉnh của chính sách kiểm tra chuyên ngành, trừ một số mặt hàng khoáng sản, do đó thời gian thông quan rất nhanh chóng.

Thông tin thêm, ông Âu Anh Tuấn cho hay, 100% các lô hàng xuất khẩu đều được thực hiện bằng phương thức điện tử cho nên thủ tục hành chính cũng rất thuận lợi, không phát sinh nhiều vướng mắc. Qua theo dõi thống kê 3 tháng đầu năm 2021, tổng số tờ khai hải quan xuất khẩu đã đăng ký là 1.867.876 tờ khai, trong đó luồng đỏ chỉ có 40.752 tờ khai, chiếm tỉ lệ 2,18%; luồng vàng 372.277 tờ khai, chiếm 19,93%, luồng xanh 1.454.847 tờ khai, chiếm 77,89%.

Chủ động đối mặt

Việc thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và ký kết Hiệp định RCEP đã mang đến cho Việt Nam cơ hội dỡ bỏ hàng rào thuế quan, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Tuy nhiên, song hành với cơ hội là thách thức đến từ sức ép của hàng nhập khẩu cũng như nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ở nước ngoài.

“Việc nâng cao năng lực về PVTM, đặc biệt cho cộng đồng DN là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ. Việc triển khai công tác PVTM, đảm bảo lợi ích cho DN Việt Nam đã được thực hiện đồng bộ, toàn diện từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đến việc xây dựng hàng loạt chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong PVTM”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Việc chủ động trong PVTM cũng được thể hiện bằng việc Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra tất cả các biện pháp PVTM khác nhau (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM). Điều này cho thấy pháp luật về PVTM của Việt Nam đang dần hoàn thiện, nhận thức và năng lực về PVTM của cộng đồng DN, các cơ quan quản lý Nhà nước đã nâng cao đáng kể.

Theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nếu như giai đoạn trước đây (2009-2015), mỗi năm Việt Nam chỉ khởi xướng từ 1 đến 2 vụ việc thì trong giai đoạn gần đây (2016-2020), mỗi năm trung bình Việt Nam khởi xướng 4 đến 5 vụ việc.

Năm 2020, Việt Nam khởi xướng điều tra 6 vụ việc mới, mức cao nhất kể từ khi các quy định về PVTM được ban hành (năm 2002) tới nay.

Năm 2020 cũng ghi nhận lần đầu tiên Việt Nam điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng đường mía nhằm loại bỏ hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho hàng hoá sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Chống trợ cấp được coi là biện pháp khó sử dụng nhất do yêu cầu nguyên đơn và cơ quan điều tra phải tìm hiểu về chính sách và thực tiễn hoạt động trợ cấp của các cơ quan Chính phủ nước ngoài. Vì thế, từ trước đến nay biện pháp này chủ yếu do các nước phát triển sử dụng như Hoa Kỳ, EU, Australia, Canada… Trong ASEAN, Việt Nam là nước đầu tiên tiến hành điều tra một vụ việc chống trợ cấp.

Ở góc độ cảnh báo về các vụ việc PVTM có thể xảy ra, Bộ Công Thương cũng đã trình để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM tại Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020.

Đề án tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xử lý vụ việc PVTM và Đề án nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới cũng đã được Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng Chính phủ. Đây là các đề án nền tảng, tạo khuôn khổ nâng cao năng lực thực thi chính sách PVTM trong hội nhập.

Về phía hải quan, ông Âu Anh Tuấn nhìn nhận, bối cảnh cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng dẫn đến sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Lợi dụng tình hình phức tạp, không ít doanh nghiệp nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước nhằm hưởng những ưu đãi thuế quan, tiềm ẩn rủi ro đối với hàng hoá Việt Nam có thể bị trừng phạt thuế “oan” trong tương lai.

Để kịp thời ứng phó, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch triển khai chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp trong năm 2021. Lực lượng hải quan sẽ triển khai thực hiện các chuyên đề kiểm tra trọng điểm với các đối tượng có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

“Việc đấu tranh chống gian lận xuất xứ hiệu quả sẽ góp phần nâng cao vị thế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, ông Âu Anh Tuấn khẳng định.

Về định hướng xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu, thay thế chiến lược 10 năm vừa qua, đồng thời xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi như hiện nay. Đây sẽ là sự hỗ trợ lớn nhất, cơ bản nhất của Bộ Công Thương trong dài hạn.

Theo Phan Trang – Huy Thắng(báo Chính phủ)

http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Ky-cuoi-va-het-Nhung-cam-ket-de-nganh-hang-ty-do-duy-tri-va-phat-trien/429679.vgp