Nguy cơ tên lửa Trung Quốc mất kiểm soát sắp rơi xuống Trái đất

Space News đưa tin, xác tên lửa đẩy của Trung Quốc nặng 21 tấn có thể đâm xuống Trái đất trong những ngày tới, nhưng không ai biết chắc mảnh vỡ tên lửa sẽ hạ cánh ở đâu.

Chuyến bay trở lại Trái đất dường như không được kiểm soát là lõi CZ-5B của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B (Long March 5B) - được sử dụng để phóng module Thiên Hà (Tianhe), module lõi đầu tiên cho trạm vũ trụ mới Trung Quốc định xây dựng riêng trong không gian.

Module Thiên Hà nặng 22,5 tấn đang ở đúng quỹ đạo của nó sau khi tách khỏi giai đoạn lõi của tên lửa theo kế hoạch sau hơn 8 phút bay cùng nhau hôm 29.4. Phần lõi của tên lửa dự kiến ​​quay trở lại Trái đất sau vài ngày hoặc khoảng một tuần.

Theo Space News, nếu vật thể dài gần 30 mét quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, nó sẽ là “vật thể lớn nhất do con người tạo ra để thực hiện một chuyến bay trở lại Trái đất không kiểm soát”.

Mặc dù có khả năng tên lửa đẩy sẽ bốc cháy thành những mảnh vỡ rơi xuống đại dương hoặc khu vực không có dân cư, nhưng không có cách nào để biết những gì sẽ hạ cánh ở đâu.

Một quan chức Trung Quốc nói về vụ phóng hôm 29.4, nhưng dường như không có biện pháp hiệu quả nào để quản lý chuyến bay trở lại Trái đất của tên lửa đẩy sau khi giải phóng module.

Việc vẽ ra quỹ đạo trở lại Trái đất của lõi tên lửa này rất khó, nếu không muốn nói là không thể vì có quá nhiều điều không chắc chắn liên quan đến việc tính toán ảnh hưởng của lực cản khí quyển lên module lõi. Bầu khí quyển của Trái đất có thể giãn nở hoặc co lại theo hoạt động của mặt trời, khiến rất khó để ước tính chính xác thời gian và vị trí tên lửa sẽ lao xuống.

SpaceNews cho biết: “Tốc độ cao của thân tên lửa có nghĩa là nó quay quanh Trái đất khoảng 90 phút một lần và do đó, sự thay đổi chỉ vài phút trong thời gian quay lại sẽ dẫn đến điểm quay lại cách xa hàng nghìn km”.

Cũng theo Space News, độ nghiêng quỹ đạo của vật thể là 41,5 độ có nghĩa là nó "đi xa hơn một chút về phía bắc so với New York, Madrid và Bắc Kinh và xa về phía nam như miền nam Chile và Wellington, New Zealand, và có thể quay lại bất kỳ điểm nào trong khu vực này".

Theo Space News, khả năng xảy ra cao hơn là giai đoạn lõi tên lửa sẽ rơi vào một nơi không có người ở như đại dương của Trái đất - nơi bao phủ 70% diện tích hành tinh. Tỉ lệ một cá nhân cụ thể bị các mảnh vỡ không gian rơi trúng là cực kỳ thấp, từng được ước tính là 1 trên vài nghìn tỉ.

Tháng 5.2020, xác tên lửa Trung Quốc nặng 17,8 tấn đã rơi xuống Trái đất hoàn toàn mất kiểm soát. Vào thời điểm đó, tờ Live Sience dẫn lời ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn và theo dõi vật thể quỹ đạo của Harvard, cho biết xác tên lửa Trường Chinh 5B là rác vũ trụ nặng nhất rơi xuống Trái đất trong gần 3 thập kỷ.