Nâng tầm doanh nghiệp Việt trước làn sóng đổ bộ FDI

Gian nan ra biển lớn

Bộ Công Thương cho biết, khu vực FDI vẫn đang chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Con số này cho thấy một thực tế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất hạn chế, sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn chưa bền chặt. Những doanh nghiệp nội địa vẫn chưa cho thấy tiềm lực đủ mạnh để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đa phần quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Những doanh nghiệp này cũng có nhiều hạn chế về năng lực tài chính, trình độ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn của Việt Nam (chiếm khoảng 2%) lại chưa thể hiện được vai trò đầu tàu, dẫn dắt.

TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright - phân tích, sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài khiến nền kinh tế càng dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài. Không những vậy, các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo của Việt Nam còn lệ thuộc nặng nề vào nguồn cung nguyên vật liệu bên ngoài do sự yếu kém của các ngành công nghiệp phụ trợ. Đặc thù ở Việt Nam là để xuất khẩu thì doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu rất nhiều. Bởi vậy, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ vì dịch bệnh, các doanh nghiệp chật vật sản xuất cầm chừng khi nguồn nguyên liệu đầu vào dần cạn kiệt.

Đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam cũng là thêm một lần, vấn đề tầm vóc của doanh nghiệp Việt được đặt ra. Việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn hết sức gian nan.

Theo một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 15% doanh nghiệp trong nước được khảo sát là có quan hệ đối tác với doanh nghiệp FDI và chỉ 37% sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp FDI được cung cấp từ thị trường trong nước (bao gồm cả từ các doanh nghiệp FDI khác).

Trong một hội thảo mới đây với chủ đề “Dọn tổ cho đại bàng nội”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - đã chỉ ra một thực tế, các dự án FDI tại nhiều địa phương được đánh giá cao, còn doanh nghiệp nội lại rơi vào tình cảnh “bụt chùa nhà không thiêng”, dù doanh nghiệp nội vẫn mang lại giá trị gia tăng cao, tạo công ăn việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách.

“Việc tạo điều kiện, không gian cho doanh nghiệp trong nước, cho các doanh nhân phát triển là rất quan trọng để doanh nghiệp trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, bảo đảm sự tự chủ của kinh tế Việt Nam” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Và dù còn nhiều hạn chế nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều tiềm năng hứa hẹn để doanh nghiệp nội có thể bứt phá. Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chỉ tính riêng trong năm 2020 đã có thêm 3 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) quan trọng gồm: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và FTA với Vương Quốc Anh, nâng tổng số FTA Việt Nam tham gia lên con số 14. Đó chính là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp nội tham gia những cuộc chơi tầm cỡ, hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.

Khao khát vươn tầm

PGS-TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - nhận định, khu vực FDI chỉ chiếm chừng 20-22% GDP mà chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp FDI đang được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của chúng ta mang lại. Ông Thiên cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp nội, cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Thực tế, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng luôn khao khát được khẳng định thực lực, kết nối với doanh nghiệp nước ngoài để ngày một lớn mạnh hơn.

Trong bối cảnh Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội - kỳ vọng vào những quyết sách của các cơ quan quản lý sẽ giúp Việt Nam chớp lấy cơ hội và nâng tầm các doanh nghiệp nội địa.

“Rất cần thiết về việc duy trì một cơ chế đối thoại chính sách với các doanh nghiệp. Đặc biệt, tôi mong muốn tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, xây dựng năng lực giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Từ đó, thực lực của doanh nghiệp Việt sẽ được nâng cao hơn nữa” - ông Mạc Quốc Anh nói.

Ông Vũ Thanh Thắng - Phó Chủ tịch Tập đoàn BKAV - cho hay, doanh nghiệp đã trăn trở về việc cần có chiến lược để xây dựng các tập đoàn, công ty hàng đầu, dẫn dắt nền kinh tế trong nước. “Làm sao để Việt Nam xây dựng được các tập đoàn công nghệ trở thành những “đại bàng”, đóng vai trò dẫn dắt trong chuỗi giá trị? Để làm được điều đó, chúng ta cần đầu tư vào nguồn lực, khoa học công nghệ, con người sáng tạo và tài năng lãnh đạo. Việt Nam phải xây dựng doanh nghiệp mũi nhọn” - ông Vũ Thanh Thắng nói.

Đại diện BKAV cũng đưa ra một số đề xuất xây dựng doanh nghiệp mũi nhọn như cần lựa chọn các doanh nghiệp vượt trội, có sức cạnh tranh về công nghệ; tạo các điều kiện về vốn, nhân lực, thị trường, chính sách. Theo đó, khi doanh nghiệp đã có sản phẩm có tỉ lệ nội địa hoá cao, cơ quan quản lý cần tạo cơ chế để sản phẩm tiếp cận và được sử dụng phổ biến ngay từ trong nước rồi ra thế giới.

GS-TSKH Nguyễn Mại khẳng định, nếu tự tin kết nối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp nội hoàn toàn có đủ điều kiện và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được điều này, doanh nghiệp trong nước phải luôn coi đổi mới, sáng tạo là định hướng lớn để đầu tư vào công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trình độ cao.

Bên cạnh đó, cần có các cơ chế để doanh nghiệp FDI tăng cường kết nối hơn với doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ thiết thực về chuyên gia, giải pháp công nghệ, quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Mại cũng đề xuất cần có chính sách khuyến khích mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước bằng cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính...

“Việc tạo điều kiện, không gian cho doanh nghiệp trong nước, cho các doanh nhân phát triển là rất quan trọng để doanh nghiệp trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, bảo đảm sự tự chủ của kinh tế Việt Nam” - ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhấn mạnh.