Vaccine COVID-19 mang đến kỳ vọng phục hồi kinh tế

Tiêm chủng đẩy nhanh phục hồi kinh tế

Tuyên bố chung của hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 3 đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (ASEAN+3) ngày 3.5 nêu rõ, các chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế khu vực Đông Nam Á, mặc dù khu vực này sẽ đối mặt với những rủi ro do chênh lệch về tốc độ tiêm chủng giữa các nước và sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tuyên bố chung nhấn mạnh, khu vực ASEAN+3 đã có khả năng phục hồi kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, bất chấp tác động khác nhau ở từng nước. Là nơi sinh sống của 30% dân số thế giới, ASEAN+3 chiếm dưới 3% trong số khoảng 154 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu cho đến nay - là kết quả của việc áp dụng nghiêm ngặt nhưng thận trọng các biện pháp ngăn chặn có mục tiêu và bao trùm trong năm qua. Đồng thời, các chính sách rộng rãi nhằm hỗ trợ hộ gia đình, doanh nghiệp và khu vực tài chính đã khiến khu vực này chỉ giảm nhẹ 0,2% vào năm 2020, với năm nền kinh tế ASEAN+3 tăng trưởng tích cực.

"Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi vào năm 2021 khi việc triển khai vaccine cho phép mở cửa dần dần các nền kinh tế, mặc dù sự phục hồi có vẻ không đồng đều giữa và trong các quốc gia và có thể xảy ra rủi ro bao gồm sự lan rộng của các biến thể COVID-19 mới và các cách tiêm chủng khác nhau" - tuyên bố chung nêu rõ.

Các Bộ trưởng và Thống đốc ASEAN+3 cho rằng, các chính sách hỗ trợ và cả mục tiêu và toàn diện vẫn là yếu tố then chốt để vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe, đồng thời kỳ vọng việc triển khai vaccine sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực. "Chúng tôi vẫn cảnh giác với những rủi ro và sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách sẵn có để đảm bảo sự phục hồi toàn diện và bền vững cũng như duy trì sự ổn định tài chính" - tuyên bố chung nhấn mạnh.

Trước sự bùng nổ của đại dịch và sau sự gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 quyết tâm tăng cường hơn nữa mối quan hệ khu vực cũng như chuỗi giá trị khu vực, nhằm thúc đẩy các nền kinh tế khu vực đa dạng và linh hoạt hơn; Tiếp tục cam kết vững chắc đối với một hệ thống thương mại và đầu tư đa phương mở và dựa trên các quy tắc. ASEAN+3 hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) như một động lực mạnh mẽ cho thương mại và đầu tư trong khu vực, đồng thời mong muốn hiệp định này có hiệu lực sớm nhất để góp phần hơn nữa vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực.

Tín hiệu lạc quan về vaccine COVID-19

Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp trong ngày 4.5. Theo số liệu của Worldometers, tính đến trưa 4.5, toàn thế giới có hơn 154 triệu ca mắc COVID-19, hơn 3,22 triệu ca tử vong, hơn 131,56 triệu bệnh nhân hồi phục. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là Mỹ với hơn 33,2 triệu ca nhiễm, hơn 591.000 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với hơn 20,2 triệu ca nhiễm và hơn 222.000 ca tử vong. Trong 24 giờ, toàn thế giới ghi nhận thêm 667.259 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (355.828 ca), tiếp đến là Mỹ (38.851 ca), Brazil (36.524 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (24.733 ca), Iran (20.732 ca)...

Mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng, song đã có những tín hiệu lạc quan về vaccine COVID-19. Châu Âu - nơi số ca nhiễm mới toàn khu vực giảm 19% trong 1 tuần qua - cho biết, bắt đầu đánh giá việc dùng vaccine Pfizer/BioNTech cho nhóm trẻ em từ 12-15 tuổi. Tuyên bố của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) ngày 3.5 nêu rõ, việc đánh giá được thực hiện theo đề nghị của phía Mỹ và quyết định của EMA sẽ chủ yếu dựa vào kết quả đánh giá, dự kiến sẽ có vào tháng 6, trừ khi cần thêm thông tin bổ sung.

Trước đó, ngày 30.4, hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã đề nghị EMA cấp phép sử dụng vaccine do hai hãng này phối hợp phát triển cho nhóm đối tượng từ 12 - 15 tuổi. Hồi tháng 3, Pfizer và BioNTech khẳng định, trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng, vaccine do hai hãng phối hợp bào chế đã chứng tỏ hiệu quả 100% trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2 đối với trẻ em từ 12-15 tuổi và tạo kháng thể mạnh.

Trong một diễn biến khác, giám đốc điều hành BioNTech, Uhur Sahin cho biết, vaccine Pfizer/BioNTech có thể chống được biến thể kép Ấn Độ. Ông Sahin nói với CNBC rằng, đã có thử nghiệm trước đó đối với vaccine Pfizer chống biến thể kép và các biến thể khác, đồng thời sẽ tiến hành nghiên cứu thêm để xác định hiệu quả của vaccine này trong tương lai.

Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ cũng thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 trên trẻ em với sự tham gia của 3.000 thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Hiện vaccine COVID-19 của Novavax vẫn chưa được cấp phép ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả loại dành cho người lớn.

Trong khi đó, liên minh vaccine toàn cầu GAVI cho hay, hãng dược Moderna của Mỹ đã ký hợp đồng cung cấp 500 triệu liều vaccine COVID-19 với mức giá thấp nhất cho cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX do GAVI và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn dắt. Dự kiến, trong năm nay, Moderna sẽ cung cấp 34 triệu liều vaccine và việc tiêm phòng bằng vaccine của hãng sẽ được triển khai từ quý IV/2021. Số vaccine còn lại sẽ bắt đầu được bàn giao từ năm sau.