Trung Quốc tiến sát dấu mốc vũ trụ hoành tráng mới

Các nhà quan sát không gian của Trung Quốc được Thời báo Hoàn cầu tiếp cận hôm 10.6 bày tỏ tin tưởng vào sứ mệnh sắp tới của phi hành đoàn. Họ cho biết việc phóng và cập cảng thành công Thần Châu 12 sẽ có nghĩa là công nghệ tàu vũ trụ - Trái đất của Trung Quốc đã phát triển hơn nữa và trở thành công cụ hỗ trợ các sứ mệnh thành công tới trạm vũ trụ, một kỳ tích hiếm khi đạt được trên thế giới.

Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), cơ sở vật chất và thiết bị tại bãi phóng đang ở trong tình trạng tốt và nhiều cuộc kiểm tra chức năng trước khi phóng và các cuộc thử nghiệm chung sẽ được thực hiện.

Tên lửa Trung Quốc Trường Chinh 2F dài 58,34m, đường kính 3,35m, có khả năng đưa trọng tải 8,6 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái đất. Trường Chinh 2F có 4 tầng đẩy (booster) đường kính 2,25m và trọng lượng khi phóng là 479,8 tấn.

Đây là loại tên lửa đẩy duy nhất hỗ trợ các chuyến bay vũ trụ có người lái và đã đưa 11 phi hành gia lên vũ trụ kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 1999, theo nhà phát triển tên lửa Học viện Công nghệ phương tiện phóng Trung Quốc (CALT). Trong lần tới, Thần Châu 12 sẽ đưa 3 phi hành gia Trung Quốc lên quỹ đạo.

3 phi hành gia Trung Quốc sẽ ở trên quỹ đạo trong 3 tháng, thực hiện nhiều nhiệm vụ trong và ngoài cabin bao gồm sửa chữa và bảo dưỡng, chuyển đổi thiết bị và vận hành khoa học các tải trọng.

Một số phương tiện truyền thông trong ngành công nghiệp vũ trụ nước ngoài như spaceflightnow.com có ​​trụ sở tại Mỹ phỏng đoán rằng, vụ phóng tàu vũ trụ Thần Châu 12 có thể diễn ra vào khoảng ngày 16 hoặc 17.6. Tuy nhiên, các nhà chức trách vũ trụ Trung Quốc vẫn chưa công bố ngày phóng của sứ mệnh.

Trung Quốc đang xây trạm vũ trụ Thiên Cung. Ảnh: NASA
Trung Quốc đang xây trạm vũ trụ Thiên Cung. Ảnh: NASA

Song Zhongping, nhà phân tích không gian và bình luận viên truyền hình, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, Trung Quốc đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú trong các hoạt động như vậy, và với "quan hệ đối tác vàng" của Trường Chinh 2F và Thần Châu 12 sau khi thực hiện một loạt cải tiến về độ tin cậy và an toàn, sứ mệnh sẽ được thực hiện suôn sẻ.

Nhà phân tích vũ trụ Song Zhongping lưu ý, với việc phóng thành công Thần Châu 12, Trung Quốc sẽ đạt được 3 thành tựu trong giai đoạn đầu xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Các thành tựu gồm "xác minh khả năng bay vào không gian Trái đất của Trung Quốc; cho phép thực hiện các sứ mệnh thường xuyên đến và đi từ trạm vũ trụ và đặt nền tảng vững chắc cho các sứ mệnh thành công trong lịch trình 2 năm cũng như các chuyến thám hiểm không gian sâu trong tương lai".

Ông Song nói thêm, thành tích này sẽ đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc lớn trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Module lõi Thiên Hà của trạm vũ trụ Thiên Cung. Ảnh: NASA
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B dùng để phóng module lõi Thiên Hà của trạm vũ trụ Thiên Cung. Ảnh: CMSA

Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 2 để thực hiện sứ mệnh tiếp tế cho module lõi Thiên Hà của trạm vũ trụ vào ngày 29.5. Tàu đã cập bến tự động cực nhanh trong vòng 8 tiếng sau khi phóng. Hai bộ quần áo vũ trụ dành cho các hoạt động bên ngoài cabin của các phi hành gia, nặng hơn 100kg mỗi bộ, cũng như đồ dùng hàng ngày đã được giao.

Trung Quốc cũng đang phát triển tàu vũ trụ hai module có người lái thế hệ tiếp theo của mình, thực hiện chuyến bay thử nghiệm không người lái thành công bằng tên lửa Trường Chinh 5B vào tháng trước.