Nghiên cứu mới phát hiện bất ngờ thời điểm COVID-19 bắt đầu có mặt ở Mỹ

AFP đưa tin, theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, công bố ngày 15.6 trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích 24.000 mẫu máu lưu trữ thu thập từ các tình nguyện viên trên khắp nước Mỹ từ ngày 2.1.2020 đến ngày 18.3.2020.

Kết quả, thông qua 2 xét nghiệm huyết thanh khác nhau đã phát hiện các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 trong các mẫu xét nghiệm của 9 bệnh nhân.

Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu này đều nằm ngoài các điểm nóng chính nơi virus bắt đầu xâm nhập nước Mỹ là Seattle và Thành phố New York.

Các mẫu dương tính đầu tiên đến từ những người tham gia ở tiểu bang Illinois và Massachusetts lần lượt vào ngày 7 và 8.1.2020, cho thấy rằng virus đã có mặt ở các bang đó vào cuối tháng 12.2019.

Phó giáo sư dịch tễ học Keri Althoff tại Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Xét nghiệm kháng thể đối với các mẫu máu giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tình trạng lây lan của SARS-CoV-2 ở Mỹ trong những ngày đầu của đại dịch, khi xét nghiệm còn hạn chế''.

Nghiên cứu được xây dựng dựa trên một cuộc điều tra tương tự mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố vào tháng 11.2020 và cũng đưa ra kết luận tương tự.

Tuy nhiên, vì kết quả trước đó vẫn tồn tại những điều không chắc chắn xung quanh xét nghiệm huyết thanh học nên nghiên cứu mới đã góp phần củng cố thêm cho phát hiện này.

Để giúp giảm thiểu khả năng dương tính giả, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai xét nghiệm riêng biệt trên mỗi mẫu, tìm kiếm các kháng thể liên kết với các phần khác nhau của virus.

Các loại kháng thể mà họ tìm kiếm được gọi là Immunoglobulin G, hay IgG, có chức năng "vô hiệu hóa" khả năng xâm nhập tế bào của virus và chỉ xuất hiện hai tuần sau khi bị nhiễm bệnh.

Do đó, những người tham gia nghiên cứu chắc chắn đã tiếp xúc với virus ít nhất vài tuần trước đó.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng có mặt hạn chế khi số lượng mẫu máu thu thập được từ các tiểu bang không nhiều, chỉ vài chục hoặc hàng trăm trong một số trường hợp. Số lượng mẫu ít làm tăng khả năng xảy ra sai sót về mặt phương pháp, lấn át tín hiệu đúng.

Thêm vào đó, các tác giả cũng không biết liệu những người tham gia có bị nhiễm bệnh khi đi du lịch hay trong cộng đồng của họ hay không. Điều này chỉ có thể được xác nhận khi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.

Cuối cùng, có một khả năng là các kháng thể mà họ phát hiện được đã được hình thành để chống lại sự lây nhiễm từ các chủng virus Corona khác, chẳng hạn như 4 loại virus gây cảm lạnh thông thường.

Nhưng vì từng có một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng "phản ứng chéo" giữa các chủng virus Corona là thấp, nên nhóm nghiên cứu ước tính rằng xác suất cả 9 mẫu xét nghiệm đều dương tính giả là 1/1000.

Theo Bảo Châu(Báo Lao động)

https://laodong.vn/the-gioi/nghien-cuu-moi-phat-hien-bat-ngo-thoi-diem-covid-19-bat-dau-co-mat-o-my-921001.ldo