Đề xuất điều chỉnh thủ tục hưởng gói 26.000 tỷ đồng

Cơ quan này đang lấy ý kiến bộ ngành, địa phương dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 (gói an sinh 26.000 tỷ đồng) trước khi trình Chính phủ. Đề xuất sửa đổi sau hai tháng chính sách ban hành, hôm 1/7.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quá trình thực hiện cho thấy một số quy định chưa phù hợp thực tiễn. Việc giải ngân ở địa phương còn chậm, kết quả chưa cao.

Người dân (phải) ký nhận hỗ trợ tại phường Tam Bình, TP Thủ Đức, đầu tháng 8/2021. Ảnh: Nguyễn Hưng

Người dân (phải) ký nhận hỗ trợ tại phường Tam Bình, TP Thủ Đức, đầu tháng 8/2021. Ảnh: Nguyễn Hưng

Dự thảo cơ bản giữ nguyên nội dung Nghị quyết 68 đã ban hành, bổ sung một số điều kiện, nới lỏng thủ tục với nhóm lao động có hợp đồng phải ngừng việc, nghỉ việc, hộ kinh doanh và cho vay vốn trả lương ngừng việc.

Với nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho lao động tạm hoãn hợp đồng nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng, dự thảo mở rộng nhóm thụ hưởng là lao động làm việc theo chế độ hợp đồng tại các cơ sở có địa điểm phải ngừng hoạt động vì áp dụng Chỉ thị 16, hoặc phải bố trí lại sản xuất để phòng dịch. Quy định hiện hành chỉ áp dụng cho cơ sở, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động theo quyết sách chống dịch của chính quyền.

Mức hỗ trợ như cũ, từ một đến 3,71 triệu đồng cho từng nhóm, thêm một triệu đồng nếu lao động đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi hoặc mang thai.

Hộ kinh doanh, doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất mà có địa điểm tại nơi thực hiện Chỉ thị 16 cũng được hỗ trợ, thay vì chỉ ngừng hoạt động khi nằm trên địa bàn áp dụng các quy định chống dịch của chính quyền.

Với doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, Bộ đề xuất bỏ điều kiện "có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn". Tính đến 26/8, chính sách này giải ngân trên 185 tỷ đồng cho 353 doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc cho hơn 53.500 lao động.

Về chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, dự thảo nới lỏng điều kiện "doanh thu quý liền kề trước lúc đề nghị hỗ trợ " giảm còn 5% thay vì 10% như hiện hành. Do nhiều địa phương giãn cách, cách ly xã hội, các cơ quan đang rà soát để phê duyệt hỗ trợ. Cả nước mới 3 doanh nghiệp lên phương án và nộp hồ sơ tại Thái Bình, Quảng Bình và Quảng Ngãi.

Với lao động tự do, dự thảo bổ sung nguyên tắc "Ngân sách trung ương hỗ trợ 40% với các tỉnh chưa tự cân đối được".

Người lao động xếp hàng chờ nhận quà hỗ trợ của nhóm từ thiện ở đường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm hôm 7/8. Ảnh:Tùng Đinh

Người lao động xếp hàng chờ nhận quà hỗ trợ của nhóm từ thiện ở đường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm hôm 7/8. Ảnh: Tùng Đinh

Sau gần hai tháng, gói an sinh 26.000 tỷ đồng giải ngân hơn 8.000 tỷ cho trên 13,5 triệu người. 19 tỉnh thành phía Nam đang giãn cách xã hội, đông lao động là khu vực thực hiện nhanh và hiệu quả nhất. Tổng chính sách mà nhóm tỉnh thành này thực hiện được chiếm 72% cả nước.

Họp trực tuyến với các địa phương về triển khai gói an sinh hôm 26/8, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá một số địa phương làm rất chậm, có tình trạng "trên nóng dưới lạnh" trong thực thi chính sách.

Theo ông Dung, triển khai chậm một phần do dịch bệnh, giãn cách, nguồn lực thiếu, song chủ yếu vẫn do chủ quan, "trông chờ, ngại việc, ngại khó, sợ trách nhiệm ở một số địa phương". Cá biệt, có nơi cán bộ thiếu trách nhiệm trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục khiến người dân, doanh nghiệp phải điện trực tiếp cho ông.

Cùng với đề xuất sửa đổi Nghị quyết 68, Bộ sẽ lập 20 đoàn kiểm tra, giám sát để tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh.

Theo Hoàng Phương(Vnexpress)

https://vnexpress.net/de-xuat-dieu-chinh-thu-tuc-huong-goi-26-000-ty-dong-4346907.html