Cần Thơ đã có hơn 10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, 93% lao động mất việc

Doanh nghiệp đã kiệt sức

Kể từ khi TP. Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ ở Cần Thơ thực hiện phương án "3 tại chỗ", vừa cách ly vừa sản xuất. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức. 

Theo báo cáo của Sở Công Thương, đã có hơn 10.000 doanh nghiệp chính thức ở Cần Thơ dừng hoạt động, với hơn 93% lao động mất việc làm. Nguyên nhân là dịch bệnh COVID-19 kéo dài, không đảm bảo an toàn cho sản xuất. Bên cạnh đó, chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa và thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp không có điều kiện lưu thông liền mạch.

Các doanh nghiệp đang thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, mô hình “vùng đệm” gặp khó vì phát sinh chi phí. Có doanh nghiệp không có sẵn cơ sở vật chất để đáp ứng ăn nghỉ tại chỗ cho người lao động...

Theo ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội May Việt Nam, phụ trách khu vực ĐBSCL, khó khăn lớn nhất mà các nhà máy may tại Cần Thơ đang vướng phải đó là tình trạng hàng hoá đang sản xuất theo dây chuyền phải ngưng lại. Nguyên liệu đặt mua từ nhiều tháng trước, nay về chỉ để trong kho, có nhiều sản phẩm đang cắt may dang dở,... "Hơn 2 tháng tạm ngưng hoạt động, nhiều nguyên liệu hư hỏng, thất lạc, điều đó đưa đến thiệt hại rất lớn cho các nhà máy", ông Hùng nhấn mạnh. 

Theo ông Hùng, vấn đề bây giờ là làm sao gỡ khó cho doanh nghiệp. Làm sao để giải quyết các đơn khách hàng đã đặt, và tìm cách cho doanh nghiệp hoạt động trở lại và bù lại số vốn vay ngân hàng. 

Đề xuất của doanh nghiệp

Bà Huỳnh Thiên Trang, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, VCCI Cần Thơ đã tiến hành khảo sát trực tiếp các doanh nghiệp, đại diện các nhóm ngành, đồng thời tổ chức họp mặt trực tuyến với các doanh nghiệp để nắm bắt và tổng hợp ý kiến, đề xuất giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp. 

Cụ thể, các doanh nghiệp đề nghị TP quan tâm, tăng cường nguồn vaccine cho người lao động tại các công ty, doanh nghiệp; đề nghị có chính sách hỗ trợ, tăng khoản cho vay đối với các doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân tới vụ; có quy định hướng dẫn liên ngành về phương thức vận chuyển hàng hoá; đồng thời, đề nghị thành phố có giải pháp thay thế “3 tại chỗ”, có lộ trình nghiên cứu sống chung với dịch bệnh, đẩy nhanh thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động,... 

Đại diện VCCI Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới, kiến nghị với UBND TP Cần Thơ mở cửa nhóm ngành ưu tiên và trao quyền kiểm soát cho doanh nghiệp, cấp giấy phép đi lại giữa nơi cư trú và nơi làm việc.

"Mong muốn của các doanh nghiệp là Cần Thơ mau chóng nới lỏng giãn cách, trước hết từ nội ô thành phố, sau đó mở rộng kết nối với các tỉnh trong vùng và TP.HCM. Như vậy, Cần Thơ sẽ có thể giải quyết được bài toán kinh tế và kinh doanh của doanh nghiệp" - bà Trang cho biết.

Nỗ lực của địa phương

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, UBND TP cũng gặp gỡ lắng nghe và chia sẻ cùng với các doanh nghiệp. 

UBND TP lập tổ tư vấn chống dịch, phát triển kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp do VCCI Cần Thơ làm Phó tổ. Trong 2 tuần qua, tổ đã họp với 27 doanh nghiệp trên địa bàn, thuộc nhiều loại hình như thủy sản, chế biến, may mặc... để lắng nghe những khó khăn, nhằm tìm ra phương án hỗ trợ doanh nghiệp.

"Hôm 10.9, Chủ tịch UBND TP cùng tôi đã họp trực tuyến với 235 doanh nghiệp, có sự tham gia của các sở, ngành lắng nghe những khó khăn, những góp ý, giải pháp do doanh nghiệp đề đạt để xem xét, tìm giải pháp phục hồi", ông Hồng cho biết.

Ông Hồng cũng cho biết, có những doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai mô hình "3 tại chỗ", không có chỗ ở cho nhân viên, công nhân, thì quận, huyện, sở, ngành cũng tìm những trường học, nhà trọ, khách sạn... để giúp doanh nghiệp. 

Chia sẻ về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau giãn cách, ông Hồng cho biết, TP đã gửi những văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ... để thực hiện một số chính sách hỗ trợ vay ngân hàng hay đề nghị Cục thuế nghiên cứu phương án miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp... "TP luôn yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp", ông Hồng khẳng định.

Đối với mong muốn được ưu tiên cung cấp vaccine COVID-19 của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, TP luôn ủng hộ việc tiêm vaccine cho công nhân. Tuy nhiên, ông cho biết lượng vaccine có giới hạn, vì vậy TP cần phân bổ hợp lý không chỉ cho riêng công nhân mà còn cho các khu công nghiệp, shipper, tài xế, những người phải tiếp xúc nhiều...