Những ngành 'thấy cơ trong nguy' từ đại dịch

Giãn cách xã hội khiến việc trở lại nhà trường trong năm học mới thành bất khả thi. Tình trạng cháy hàng các sản phẩm để phục vụ việc học online cho hàng triệu học sinh cả nước, "work from home"(làm việc từ xa) cho dân văn phòng lại vô tình khiến triển vọng kinh doanh của nhóm doanh nghiệp phân phối, như Digiworld (DGW), FPT Shop (FRT) hay Petrosetco (PET), trở nên sáng hơn.

Cổ phiếu các doanh nghiệp này, vì thế, cũng liên tục lập đỉnh mới bất chấp thị trường chịu tác động từ đợt bùng phát Covid-19 thứ tư.

Diễn biến cổ phiếu DGW (xanh đậm), PET (lam), FRT (da cam) so với VN-Index (vàng) tính từ đầu năm 2021. Ảnh: Trading View

Chốt phiên hôm qua (13/9), DGW, FRT và PET đều tăng kịch trần. Sáng nay (14/9), DGW có thêm hơn 6% còn FRT tăng tiếp 4%. Nếu xét từ đầu năm nay, thị giá DGW gấp gần ba lần trong khi PET và FRT đều tăng vượt trội hơn VN-Index.

"Chúng tôi tin rằng doanh thu nửa cuối 2021 của DGW sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ về máy tính xách tay do dịch Covid-19 (chiếm 29% doanh thu nửa đầu năm 2021) và mạng lưới phân phối lớn", báo cáo về cổ phiếu DGW của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cuối tháng 8 đánh giá,

Tuy nhiên, phân phối hàng điện tử không phải lĩnh vực duy nhất hưởng lợi từ trạng thái "bình thường mới" do đại dịch.

Nếu xét về tăng trưởng, chứng khoán cũng là cái tên không kém cạnh. Cổ phiếu các công ty này tăng vọt từ đầu năm, thuộc nhóm đánh bại thị trường, khi nhà đầu tư kỳ vọng cao vào sự tăng trưởng.

Không chỉ xuất hiện tại Việt Nam, làn sóng đầu tư chứng khoán tăng vọt do giãn cách xã hội có ở nhiều nước, gồm cả những thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu. Người dân rảnh rỗi vì ở nhà trong thời gian giãn cách, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư khi mặt bằng lãi suất liên tục hạ là những lý do chính giúp chứng khoán lên ngôi. Riêng với thị trường Việt Nam, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới mỗi tháng tăng vọt kể từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên và duy trì trên ngưỡng 100.000 liên tục nhiều tháng gần đây.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư của Dragon Capital Việt Nam, trong hai thập kỷ gần nhất, cổ phiếu cũng là kênh đầu tư hấp dẫn nhất nếu xét về tỷ suất sinh lời. Kênh đầu tư cổ phiếu có hiệu suất sinh lời bình quân khoảng 16% mỗi năm tính từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2000. Con số này vượt trội hơn mức sinh lời bình quân 11,9% của bất động sản, 9% của vàng, 8% của tiền gửi và chỉ 2,2% của đôla Mỹ.

Sự tăng trưởng được phản ánh ngay từ kết quả kinh doanh của các thành viên thị trường. Chưa kết thúc quý III, nhiều công ty chứng khoán đã cán đích và vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Như SSI, sau tháng 8, lợi nhuận trước thuế riêng công ty mẹ đạt lũy kế hơn 1.872 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra cho cả năm. VNDirect (VND) vừa nâng kế hoạch khi đã hoàn thành mục tiêu cũ chỉ sau 7 tháng. Nhiều công ty chứng khoán khác cũng báo lãi gấp nhiều lần cùng kỳ.

Nếu chứng khoán và phân phối hàng điện tử hưởng lợi từ trạng thái "bình thường mới", logistics và cảng biển lại hưởng lợi từ những tác động của đại dịch tới chuỗi cung ứng.

 

Một trong những ảnh hưởng tiêu cực nhất của Covid-19 tới kinh tế là sự gián đoạn chuỗi cung ứng, khi các nền kinh tế bị chia cắt bởi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan. Tình trạng thiếu hụt container, quá tải tại các cảng biển đẩy chi phí logistics tăng vọt. Với nhà đầu tư, con số này ảnh hưởng mạnh tới kinh tế, nhưng cũng mở ra triển vọng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Tương tự chứng khoán, kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp đầu ngành logistics và cảng biển cũng tăng vọt. Không chỉ các cảng biển lãi đậm, đà tăng trưởng chung của ngành vận tải biển còn lan tỏa đến các doanh nghiệp có thế mạnh về kinh doanh kho bãi, đội tàu.

Một trường hợp khác vượt lên nhờ sự thay đổi trong đại dịch là các doanh nghiệp công nghệ. Nhu cầu chuyển đổi số, thay đổi hoạt động kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh mới tạo điều kiện cho những doanh nghiệp công nghệ "tấn công" vào thị trường nội địa, vốn là miếng bánh mà các doanh nghiệp này chưa chiếm ưu thế.

Như trường hợp FPT, giá trị đơn hàng ký mới mảng công nghệ trong quý II tăng gần 44% so với cùng kỳ, đạt 5.848 tỷ đồng, do nhu cầu đầu tư công nghệ ở cả thị trường trong và ngoài nước không ngừng gia tăng. Doanh thu chuyển đổi số cũng tăng gần 20% nhờ vào việc triển khai các giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực Low code, Cloud và Blockchain cho khách hàng quốc tế.

Tăng trưởng cũng là "mẫu số chung" của nhiều doanh nghiệp công nghệ khác. Với CMC, doanh thu trong quý I (từ 1/4-30/6 theo niên độ tài chính) cũng tăng gần 23%, còn lợi nhuận trước thuế tăng hơn 45% so với cùng kỳ.

Ở khía cạnh sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, đại dịch cũng giúp nhiều nhóm ngành từ "phòng thủ" chuyển sang "tấn công". Dược phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu là ví dụ.

Cổ phiếu ngành dược được xếp vào nhóm "phòng thủ" trên sàn, tức là nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng từ diễn biến chung của thị trường. Tuy nhiên, nhiều mã nhóm này đã tăng vượt trội kể từ đầu năm ngoái do kỳ vọng tăng trưởng. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ phòng dịch như khẩu trang, nước rửa tay dẫn dắt thị trường từ đợt bùng phát đầu tiên. Trong khi đó, các doanh nghiệp liên quan đến việc nhập khẩu vaccine được chú ý gần đây.

Nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hay bán lẻ cũng được chú ý khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt. Tại nhiều siêu thị hình ảnh đáng chú ý là cảnh người dân xếp hàng mua sắm, kệ hàng trống không. Còn trên bảng giá điện tử của chứng khoán, hình ảnh đang được thấy là sắc xanh của những doanh nghiệp đầu ngành, như MSN hay MWG.

Theo Minh Sơn(Vnexpress)

https://vnexpress.net/nhung-nganh-thay-co-trong-nguy-tu-dai-dich-4356073.html