Cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành đối mặt nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc

Ngày 31.8.2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhận được báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã soát xét của Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành  (TTF). Theo đó, lợi nhuận ròng trên Báo cáo tài chính hợp nhất là 901 triệu đồng, lỗ lũy kế tại ngày 30.06.2021 là 3.042 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của TTF tại ngày 30.06.2021 là âm 554 tỉ đồng.

Tổng nợ đi vay của công ty tính đến 30.6 là 624 tỉ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là 611 tỉ đồng. Dư nợ với ngân hàng cuối quý 2 là 144 tỉ đồng, còn lại chủ yếu là nợ cá nhân. Trước đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất cuối năm 2020, các vấn đề trên đã khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam cũng nhấn mạnh việc nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn trên 1.300 tỉ đồng, nợ đã quá hạn thanh toán là hơn 124 tỉ. Vì vậy, đơn vị kiểm toán cho rằng có lý do trọng yếu để nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Gỗ Trường Thành. Tính đến cuối quý 2/2021 vừa qua, Gỗ Trường Thành cùng với Vietnam Airlines, Đạm Hà Bắc, ... nằm trong nhóm doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam.

Vì vậy, HOSE đã ra thông báo cho biết cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành tiếp tục bị đặt trong diện kiểm soát vì theo báo cáo tài chính bán niên 2021 đã soát xét, doanh nghiệp này có lỗ lũy kế tương đương 97,8% vốn điều lệ và chưa khắc phục được tình trạng vốn chủ sở hữu âm. Nếu báo cáo tài chính kiểm toán cả năm 2021 của Gỗ Trường Thành tiếp tục ghi nhận vốn chủ sở hữu âm thì cổ phiếu TTF sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc, HOSE cho biết.

Trước đó, ngày 24.04.2019, HOSE đã ra ra quyết định chuyển cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 06.05.2019 do lỗ lũy kế năm 2017 gần 1.407 tỉ đồng và lỗ ròng năm 2018 hơn 715 tỉ đồng.

Vào tháng 5.2021, lãnh đạo Công ty Gỗ Trường Thành đã đưa ra thông tin cho các cổ đông về các biện pháp khắc phục tình trạng nói trên thông qua tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động đầu tư tài sản. Trong đó có kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu ưu đãi để tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỉ lên gần 4.112 tỉ đồng. Nguồn tiền huy động sẽ được dùng để trả nợ Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) hơn 123 tỉ đồng và bổ sung vốn lưu động. Sau khi trả nợ DongA Bank xong công ty có thể vay thương mại tại ngân hàng bình thường lại. Thời gian dự kiến trong quý 4/2021 và quý 1/2022. Đồng thời, sau khi hoàn tất tăng vốn cùng hoạt động kinh doanh tốt lên thì công ty cho rằng sẽ khắc phục dứt điểm được tình trạng âm vốn chủ sở hữu.