Vắc-xin, đường từ trái tim đến trái tim

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tại Phủ Chủ tịch ngày 25/8/2021.

Kamala - tên của Phó Tổng thống Hoa Kỳ, trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là “người con gái của hoa sen”.

Trước đó, khi vừa đọc được bài báo về người thầy của Phó Tổng thống Kamala Harris, Chủ tịch nước lập tức gọi điện thoại cho tác giả bài báo để hỏi cặn kẽ thêm. Ông cũng đọc rất kỹ cuốn hồi ký “Sự thật ta nắm giữ - Một hành trình xuyên nước Mỹ” của bà Kamala Harris xuất bản lần đầu tại Mỹ vào đầu năm 2019.

Tiếng vọng mùa xuân

Phó Tổng thống Kamala Harris nói với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rằng, bà vinh dự là Phó Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam và cảm ơn sự tiếp đón chu đáo, trọng thị của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam dành cho bà cùng Đoàn cấp cao Hoa Kỳ, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

Nhắc lại thời điểm mùa xuân năm ngoái, giai đoạn đầu của đại dịch, Việt Nam đã có những hỗ trợ tức thời cho Hoa Kỳ, Phó Tổng thống Kamala Harris bày tỏ Chính phủ Mỹ rất cảm ơn Việt Nam. Nhân chuyến thăm này của bà Kamala Harris, Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ thêm 1 triệu liều vắc-xin hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam và thành lập thành lập Văn phòng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ khu vực Đông Nam Á đặt tại Hà Nội, góp phần hỗ trợ Việt Nam và các nước khu vực phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Một chuyến đi, 7 việc đại sự

Từ 18 đến 24/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Cuba và tới Mỹ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, đồng thời thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ. Đây là chuyến công tác đa mục tiêu, với nhiều ý nghĩa hết sức quan trọng. Một trong 7 việc đại sự của chuyến đi lần này là triển khai mạnh mẽ chiến lược ngoại giao vắc-xin, vận động các nước, tổ chức quốc tế hỗ trợ về vắc-xin, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống Covid-19 và hợp tác phục hồi sau đại dịch. 

 

Tính tới nay, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 6 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong tổng cộng hơn 110 triệu liều mà Washington trao tặng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong 10 nước được tặng nhiều nhất. Đây thực sự là tiếng vọng của mùa xuân khi tháng 4 năm ngoái, đúng lúc cả thế giới quay cuồng vì khẩu trang, nước Mỹ nhận 200.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn từ Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Chính phủ Mỹ nhận 50.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Văn phòng Nhà Trắng.

Trong một bài đăng tải trên fanpage của Đại sứ quán Mỹ khi đó, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink viết: “món quà là sự động viên tinh thần to lớn và là thông điệp về tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau mà Việt Nam dành cho Mỹ”. Trang Twitter cá nhân của Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton chạy dòng chữ: “chúng tôi luôn cảm kích trước sự hỗ trợ hào hiệp từ những người bạn Việt Nam. Cảm ơn các bạn!”…

Đoàn kết vượt qua thử thách

Sau Hoa Kỳ, Trung Quốc là nước hỗ trợ nhiều nhất vắc-xin cho Việt Nam. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ 10 đến 12/9/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công bố, Trung Quốc sẽ viện trợ thêm 3 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam trong năm nay, nâng tổng số vắc-xin viện trợ của Trung Quốc lên 5,7 triệu liều. Một số địa phương của Trung Quốc cũng viện trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế cho các địa phương Việt Nam. Như tỉnh Quảng Tây đã quyết định viện trợ cho Việt Nam 800 nghìn liều vắc-xin Sinopharm cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh. Đây là lô hàng viện trợ đối ngoại lớn nhất trong lịch sử Quảng Tây.

Lại nhìn về thời điểm cuối tháng 1/2020, khi cả thế giới còn chưa mấy để tâm đến dịch bệnh và một Trung Quốc đang lao đao vì dịch bệnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định viện trợ Trung Quốc hàng hóa vật dụng y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế trị giá khoảng 0,5 triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100.000 USD và 7 tỉnh biên giới phía Bắc cũng hỗ trợ cho nhân dân Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam  Tô Anh Dũng: “Các trang thiết bị, vật tư y tế mà Việt Nam trao tặng Trung Quốc đều là những vật dụng tốt nhất mà Việt Nam có, trong bối cảnh Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn với các vật tư này”. “Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị núi liền núi, sông liền sông. Trung Quốc có câu “hoạn nạn mới biết chân tình” - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam  Hùng Ba bày tỏ. Đại sứ Hùng Ba cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc rất cảm ơn về viện trợ sớm của Việt Nam cho cuộc chiến chống dịch của Trung Quốc”.

Vào mùa đông của 6 năm trước, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/11/2015 đã dành 20 phút để phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Nói về quan hệ hai nước, ông Tập Cận Bình trích dẫn ngạn ngữ Trung Hoa: “Huynh đệ đồng tâm, ký lợi đoạn kim” (anh em đồng lòng thì đủ sắc bén để cắt được cả vàng). Hai nước Việt - Trung với “núi liền núi, sông liền sông” luôn phải đoàn kết, gắn bó với nhau để vượt qua thử thách, khó khăn, cùng nhau phát triển.

Không thể nào quên

Luôn là người bạn được nhân dân Việt Nam dành cho rất nhiều tình cảm quý mến, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 trong các quốc gia hỗ trợ nhiều nhất vắc-xin cho Việt Nam. Ngay cả khi đã ra thông báo không ứng cử Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do nhiệm kỳ tới, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vẫn dành sự quan tâm trong những ngày cuối cùng còn là Thủ tướng cho tình hình chống dịch tại Việt Nam. Chiều 15/9/2021, tại cuộc điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Suga nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc mà đối với ông là “không thể quên” về sự đón tiếp trọng thị, thân tình của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi ông thăm chính thức Việt Nam tháng 10/2020.

Thủ tướng Suga thông báo Nhật Bản hỗ trợ thêm cho Việt Nam 400.000 liều vắc-xin trong tháng 9/2021 và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch; cảm ơn Việt Nam đã quan tâm tiêm vắc-xin cho công dân Nhật Bản và hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Với 400.000 liều vắc-xin bổ sung này đã nâng tổng số vắc-xin Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam lên 3,58 triệu liều.

Còn trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 10 đến 12/9/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo nhớ lại, 10 năm trước, vào tháng 3 năm 2011, sau trận động đất thảm họa chưa từng có ở Nhật Bản, đã có một số lượng lớn các khoản quyên góp và lời chia buồn chân thành cùng tình cảm nồng nhiệt dưới nhiều hình thức khác nhau như thư từ, bài viết và tranh vẽ của người dân Việt Nam gửi đến Nhật Bản. Ông Kishi Nobuo xúc động: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều này!”

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản còn dẫn ra “phố cổ Hội An, quê hương của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, nơi đã kết nối Nhật Bản và Việt Nam từ thời xa xưa, nơi luôn gợi nhớ về mối quan hệ giao lưu sôi nổi giữa Nhật Bản và Việt Nam, là nền tảng cho sự thịnh vượng của chúng ta từ thời cổ đại”. 

Theo Đoàn Trần(Thời báo tài chính Việt nam)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2021-09-19/vac-xin-duong-tu-trai-tim-den-trai-tim-111339.aspx