Doanh nghiệp "mắc kẹt" vì quy định hiện tại: Bộ, ngành cần tháo gỡ

Bộ Xây dựng không tiếp thu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuộc

Thời gian qua, các doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản liên tục đề đạt, góp ý về hàng loạt khó khăn về Nghị định 30, Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 được sửa đổi, bổ sung tại điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020.

Ngày 15.9 Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các bộ ngành liên quan yêu cầu nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi về nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở.

Đến ngày 17.9  Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi Bộ Tư pháp. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư theo hướng: “Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 như sau: “1. Có quyền sử dụng đất ở hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai”...

Ảnh minh họa: Phan Anh
Ảnh minh họa: Phan Anh

Nếu được thông qua, sửa đổi này có thể tháo gỡ nút thắt lớn cho hàng loạt dự án nhà ở thương mại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điều này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản, tạo lập nguồn cung dồi dào các dự án nhà ở thương mại, sản phẩm nhà ở, góp phần giảm giá nhà, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, việc sửa đổi “không làm phát sinh mới thủ tục hành chính” cũng như “phù hợp hệ thống pháp luật, không yêu cầu phải sửa đổi các quy định của Luật Đất đai liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, Luật Đấu thầu liên quan đến đấu thầu dự án có sử dụng đất”.

Nếu nội dung sửa đổi Luật Đầu tư 2020 được thông qua như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng trăm dự án sẽ cởi được nút thắt về thủ tục lựa chọn chủ đầu tư. Ảnh: Phan Anh
Nếu nội dung sửa đổi Luật Đầu tư 2020 được thông qua như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng loạt dự án sẽ được tháo gỡ nút thắt về thủ tục lựa chọn chủ đầu tư. Ảnh: Phan Anh

Trao đổi với PV Lao Động, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về nội hàm việc sửa đổi này là do Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ phối hợp thực hiện.

Theo tìm hiểu trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có công văn cho rằng, đề xuất sửa đổi Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư là phù hợp với quy định tại Điểm d, e Khoản 1 Điều 57, Điều 52, Điều 58, Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai và Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư.

Tuy nhiên về phía Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng Nghị định 30 hoàn toàn không gây khó khăn hay cản trở doanh nghiệp, trái lại còn tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tế khi phát triển nhà ở thương mại, đặc biệt đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Sửa đổi mang lại đột phá lớn

Trao đổi với PV Lao Động, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết những đề nghị của doanh nghiệp về vấn đề sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở hiện đang đưa vào trong luật để sửa đổi.

"Vấn đề này chúng tôi phân cho Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp). Trước đó Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã từng gửi văn bản đề nghị Bộ Xây dựng sửa vấn đề này".

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nhận định việc sửa 10 điều luật hiện tại, Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Điều này tháo nút cho rất nhiều thứ, tôi thấy rất là tốt. Nếu điều này được thông qua, tôi nghĩ việc sửa 10 luật mang tính đột phá lớn cho doanh nghiệp, từ trước đến nay chưa bao giờ có.

Trong quá trình tiếp theo Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục rà soát, sửa những Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bộ Tư pháp hiện đang tiếp tục rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cải cách thể chế ngày càng đổi mới, quyết liệt", ông Tuyến chia sẻ.