Tọa đàm 'Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất'

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê hôm 6/7, trong sáu tháng đầu năm 2021, lực lượng lao động Việt Nam có nhiều biến động vì Covid-19 bùng phát. Lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51 triệu người, tăng 737.000 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đối tượng có việc làm là 49,9 triệu, tăng 788.700 người. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người, (chiếm 27,9%); khu vực công nghiệp, xây dựng khoảng 16,4 triệu (chiếm 32,8%); mảng dịch vụ 19,6 triệu (chiếm 39,3%).

Tuy nhiên, cũng có hơn 1,1 triệu người thiếu việc làm trong sáu tháng đầu năm nay, tăng 48.200 người so với cùng kỳ năm trước. Hơn 1,1 triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp, tăng 101.700 người. Trong đó có gần 399.000 thanh niên (15-24 tuổi), chiếm 34,0% tổng số người thất nghiệp.

Khảo sát gần 70.000 người của Ban IV và VnExpress hồi tháng 8 cho thấy: tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, sụt giảm thu nhập... tiếp tục gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 62%, nhất là khi dịch tái bùng phát mạnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Tình trạng này gây áp lực nặng nề với an sinh, duy trì - phục hồi kinh tế nói chung. Vô số doanh nghiệp khó khăn, kiệt quệ vì Covid-19.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người lao động vẫn duy trì được việc làm đối mặt với thách thức không nhỏ. Việc chuyển đổi quá nhanh từ mô hình trực tiếp sang trực tuyến, áp dụng "ba tại chỗ", "bốn tại chỗ" cùng các yêu cầu chặt chẽ thời dịch... tác động lớn đến tâm lý lao động, đồng thời làm bộc lộ nhiều hạn chế về kỹ năng do chưa có sự chuẩn bị đồng bộ để đáp ứng yêu cầu mới.

Thực trạng trên phản ánh điều gì? Doanh nghiệp phải làm thế nào để có thể vừa duy trì sản xuất, vừa hỗ trợ người lao động, hạn chế cắt giảm nhân sự? Chính phủ và các Bộ ngành chức năng tính tới giải pháp chính sách nào để an sinh, hạn chế tình trạng thất nghiệp, không có việc làm ngày càng gia tăng, đồng thời làm thế nào để nguồn nhân lực đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu trong bối cảnh mới nhằm duy trì và tạo tiền đề bứt phá sản xuất... Tất cả nội dung này sẽ được bàn luận trong tọa đàm kinh tế với chủ đề "Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất trong đại dịch", phát sóng vào 9h ngày 28/9.

Tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Chí Trường, Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội; Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM; ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Dẫn dắt tọa đàm là nhà báo Ngọc Phạm từ VnExpress.

Các diễn giả tham gia tọa đàm.

Các diễn giả tham gia tọa đàm.

"Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất trong đại dịch" thuộc chuỗi tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021, do VnExpress và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp tổ chức. Nội dung thảo luận xuyên suốt ViEF 2021 là "giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030".

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công - tư để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật trong giai đoạn mới...

Theo Hiếu Châu(Vnexpress)

https://vnexpress.net/toa-dam-cai-tien-ky-nang-lao-dong-chia-khoa-but-pha-san-xuat-4361347.html