Xây dựng chiến lược 'Cà Mau xanh', tạo thương hiệu nông nghiệp sạch, sản phẩm sạch

Tôm Cà Mau hiện đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Phúc Nguyên

Tôm là mặt hàng thế mạnh của nông nghiệp Cà Mau

Theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tôm Cà Mau hiện đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, 4 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. Giá trị sản xuất của ngành tôm tỉnh Cà Mau chiếm 80% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp.

Diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau chiếm tới 45% diện tích nuôi tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước; sản lượng tôm nuôi chiếm 29% sản lượng tôm ĐBSCL và chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 1 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.

Hiện nay, tôm Cà Mau đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận (ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland...). Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, thiết bị, công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới, công suất trên 250.000 tấn (tôm nguyên liệu)/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế (SA-8000, ISO 26000, ISO-9001,...).

Đáng chú ý, các hiệp định thương mại tự do (FTA) là cú hích rất lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó có Cà Mau. Những lợi thế từ FTA mà Việt Nam ký kết tiếp tục tạo nhiều thuận lợi khi kim ngạch xuất khẩu tôm qua các thị trường tăng cao. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã tranh thủ nắm bắt được những cơ hội, ưu đãi từ các FTA trên để tăng cường xuất khẩu.

Theo đánh giá của tỉnh Cà Mau, tuy có những lợi thế từ các FTA mà Việt Nam ký kết, nhưng tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành nên đã tác động trực tiếp hoạt động xuất khẩu tôm Cà Mau. Bên cạnh đó, nghề nuôi tôm Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất lợi, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra thường xuyên, môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm, hạn hán xâm nhập mặn xảy ra, thị trường tiêu thụ chưa ổn định...

Tạo ra một hệ sinh thái cho doanh nghiệp, hợp tác xã gắn bó với địa phương

Theo các chuyên gia kinh tế, Cà Mau là tỉnh có nhiều thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 2,1 tỷ USD vào sau năm 2021 thì cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm… Trong đó, cần lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển bền vững, giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học một cách hiệu quả và bền vững nhất.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, các sở, ngành, doanh nghiệp tỉnh Cà Mau ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị Cà Mau cần thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh để không còn dùng phân thuốc hoá học nữa mà đi vào sản xuất hữu cơ, để tạo ra thương hiệu nông nghiệp sạch.

Đồng thời, Cà Mau cần xây dựng thương hiệu địa phương để lan toả ra khắp xã hội, thu hút nhiều doanh nghiệp về đây làm nổi bật tính đặc thù vị trí địa lý riêng biệt của mình.

"Cà Mau có nhiều sản phẩm gạo, tôm, lúa… khác hoàn toàn so với các tỉnh khác, vì thế đã tạo nên thương hiệu địa phương rồi. Nếu nhìn vào việc nông sản được sản xuất theo quy chuẩn cân bằng, thì không đâu có điều kiện vừa rừng, biển, nước ngọt như Cà Mau. Nơi đây đang được hưởng lợi rất lớn từ lợi thế địa phương, không cần phải đi vào số lượng mà đi vào xây dựng sự khác biệt" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, để sản xuất có được gạo sạch, tôm sạch không phải dễ, nhưng cần phải xây dựng chiến lược “Cà Mau xanh”. Từ đó mới xác định tới vấn đề quy hoạch tổng thể, tôm dưới tán rừng, tôm quảng canh, thâm canh… dựa trên giá trị sản xuất chứ không phải là số lượng... Tỉnh Cà Mau cũng cần tạo ra một hệ sinh thái cho doanh nghiệp, hợp tác xã gắn bó với địa phương, ngành nông nghiệp để cùng nhau phát triển bền vững.

Về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị chính quyền địa phương phải giữ được vai trò tổ chức hợp tác, liên kết và thị trường. Chính thị trường sẽ quyết định về quy mô, quy chuẩn, nên việc hình thành sản xuất xanh, “Cà Mau xanh” sẽ quyết định tất cả.../.

Tỉnh Cà Mau đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản; song song đó, phát triển ngành hóa chất, phân bón và năng lượng tái tạo, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp vùng.
 
Theo Phúc Nguyên(Thời báo tài chính Việt nam)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2021-09-24/xay-dung-chien-luoc-ca-mau-xanh-tao-thuong-hieu-nong-nghiep-sach-san-pham-sach-111688.aspx