Lý do Trung Quốc quyết tâm "diệt tận gốc" tiền điện tử

Tháng 5 năm nay, Trung Quốc tuyên bố cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch tiền điện tử. Lệnh cấm tương tự cũng từng được ban hành vào năm 2013 và 2017.

Liên tục các lệnh cấm được đưa ra đã nêu bật thách thức trong việc ngăn chặn lỗ hổng liên quan đến giao dịch Bitcoin.

Theo thông tin từ chính quyền Trung Quốc và giới chuyên gia phân tích, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến quyết định cứng rắn này.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (POBC) cho biết, hoạt động mua bán và đầu cơ Bitcoin cùng những loại tiền ảo khác những năm gần đây trở nên phổ biến, gây phá vỡ trật tự kinh tế và tài chính, làm phát sinh hoạt động rửa tiền, huy động vốn bất hợp pháp, lừa đảo đầu tư dạng đa cấp cùng các hoạt động bất hợp pháp và phạm tội khác.

Chính phủ Trung Quốc mong muốn kiểm soát nhiều hơn hoạt động kinh tế trong nước. Bitcoin và những đồng tiền điện tử khác đang tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch không cần đến ngân hàng hoặc chính phủ.

Thứ hai, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc thông báo sẽ cắt điện đối với các hoạt động đào tiền điện tử, hoạt động tiêu tốn quá nhiều điện.

Theo Digiconomist, hoạt động khai thác Bitcoin có lượng khí thải carbon tương đương với lượng khí thải carbon của New Zealand, ước tính tạo ra 36,95 megaton CO2 hằng năm. Ảnh: The New York Times
Hoạt động khai thác tiền điện tử như đào Bitcoin có lượng khí thải carbon ước tính 36,95 megaton CO2 hằng năm. Ảnh: TL

Trung Quốc được coi là mảnh đất màu mỡ để đào tiền điện tử do chi phí điện thấp ở một số khu vực. Điều đó đang khiến quốc gia này đứng trước nguy cơ gặp khủng hoảng năng lượng và cản trở cố gắng trung hòa carbon vào năm 2050.

Vào năm 2019, Trung Quốc từng là nơi chiếm đến 75% mức tiêu thụ năng lượng đào Bitcoin trên toàn thế giới. Con số sau đó đã giảm xuống 46% vào đầu năm 2021 và có khả năng sẽ giảm mạnh hơn nữa với các hạn chế mới được công bố vào hôm qua.

Cuối cùng, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang dọn đường cho đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (eCNY) của riêng mình chuẩn bị ra mắt.

PBOC có kế hoạch công bố chính thức đồng eCNY sớm nhất vào năm 2022, sau khi thử nghiệm tại Thế vận hội mùa đông. Bên cạnh đó, quốc gia này đang có kế hoạch sửa đổi luật để đưa giao dịch eCNY trở thành hợp pháp và cấm khu vực tư nhân phát hành tiền tệ kỹ thuật số.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã bắt đầu việc nghiên cứu về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số từ năm 2014.   Sau đó 3 năm, ngân hàng này đã thành lập Viện Nghiên cứu Tiền Kỹ thuật số và sau đó là tạo ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của mình.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu về đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số từ năm 2014. Sau đó 3 năm, ngân hàng này đã thành lập Viện Nghiên cứu Tiền Kỹ thuật số và tạo ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của mình. Ảnh: CoinGeek

Một quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho hay, đồng eCNY nhằm mục đích bảo vệ “chủ quyền tiền tệ” của Trung Quốc.