Bị tai nạn mất khả năng lao động có được hưởng trợ cấp?

Bạn đọc hỏi: Tôi là Nguyễn Văn Hải (32 tuổi - Hải Dương). Tôi đã làm ở công ty sản xuất linh kiện điện tử được 10 năm, có đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Ngày 14/05/2016, trong giờ nghỉ trưa, tôi giúp bạn thử chạy máy sản xuất và bị thương. Tôi vào bệnh viện chữa trị 2 tháng, mất khả năng lao động 20%. Tôi muốn hỏi trường hợp của mình có phải tai nạn lao động không? Có được hưởng trợ cấp do tan nạn lao động không?

Luật sư trả lời:

Trường hợp của bạn là tai nạn lao động

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2; Điều 42. Điều 43 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Bạn đã đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm, bạn có đủ điều kiện áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo thông tin mà bạn cung cấp: bạn bị tai nạn trong giờ nghỉ trưa khi chạy thử máy sản xuất. Khoản 1, Điều 5 nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Điều 5. Nghỉ trong giờ làm việc

1.Thời gian nghỉ giữa giờ làm việc quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 108 của Bộ luật lao động được coi là thời giờ làm việc áp dụng trong ca liên tục 08 giờ trong điều kiện bình thường hoặc 06 giờ trong trường hợp được rút ngắn. Thời điểm nghỉ cụ thể do người sử dụng lao động quyết định.

Bởi thế, có thể khẳng định bạn tai nạn trong giờ làm việc.

Căn cứ quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 43

Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

Vì vậy, tai nạn của bạn là tai nạn lao động. Anh có đủ điều kiện để hưởng trợ cấp tai nạn lao động.

Trợ cấp tai nạn lao động bạn được hưởng:

Theo quy định tại Điều 46, Luật bảo hiểm xã hội 2014:

Điều 46. Trợ cấp một lần

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Do bạn có mức suy giảm khả năng lao động là 20% nên bạn được hưởng mức trợ cấp 1 lần và hưởng 12,5 lần mức lương cơ sở. Bạn còn nhận được 3,2 tháng lương của tháng 5.

 Ngoài ra, bạn còn  được người sử dụng lao động trả đủ lương theo hợp đồng lao động đã giao kết và không được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian bạn đang điều trị và được công ty cùng với cơ quan bảo hiểm thanh toán các chi phí điều trị (Điều 144, Luật lao động 2012).

Nếu còn điều gì thắc mắc cần giải đáp thêm, bạn đọc có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.VN số 19006511 để được tư vấn./.

Theo Thạc sỹ-Luật sư Vũ Hồng Hoa/HTX Luật Đống Đa/VOV