QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Cần có giải pháp đặc biệt và đột phá trong tình hình mới

Ông Vũ Văn Tiền, Tổng Giám đốc Geleximco

Kiến nghị tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Vũ Văn Tiền cho biết, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài, các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch cũng đồng thời làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông khiến khan hiếm nguyên vật liệu đẩy giá vốn tăng cao, hàng hóa tồn đọng kéo dài, không bán được hàng.

Chủ tịch Geleximco nhận định, nếu kéo dài tình trạng như hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp có thể không tồn tại được. Chính vì vậy, ông Tiền đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng chính quyền các địa phương có giải pháp để tạo điều kiện kết nối, "đường thông hè thoáng", chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, xem xét chi phí logistic, cảng biển để tránh tình trạng tăng giá quá cao, đội gánh nặng lên doanh nghiệp. Khi có các vấn đề vượt thẩm quyền cần nhanh chóng trình Chính phủ để giải quyết, tháo gỡ kịp thời.

Bên cạnh đó, ông Tiền cho biết, về lâu dài, vấn đề nguồn lực lao động cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Đại dịch COVID-19 kéo dài đã buộc người lao động phải trở về về các tỉnh. Do đó, Chủ tịch Geleximco đề nghị, Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo các địa phương lên phương án chào đón cũng như hỗ trợ người lao động trở về quê hương ổn định cuộc sống để sau khi hết dịch, người dân có thể trở lại các khu công nghiệp cống hiến sức lực. 

Ông Tiền cũng kiến nghị, cần rà soát lại các văn bản pháp luật đang chồng chéo, gây khó dễ cho doanh nghiệp. "Các cơ chế chính sách phải mang tính trước mắt, lâu dài; đồng thời công khai minh bạch phù hợp thông lệ quốc tế. Trong tình hình đặc biệt có giải pháp đặc biệt, có đột phá, khác biệt, phù hợp thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh", Chủ tịch Geleximco cho biết.

Trước đó, về vấn đề này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng đề xuất lấy COVID-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, mạnh dạn phá bỏ ngay những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", nhanh chóng khôi phục sản xuất, VCCI cũng đề xuất chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nhất là các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế… tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật hỗ trợ DNNVV, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật phá sản… để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Trong bối cảnh mới, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các cơ chế, chính sách mới có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn đáp ứng mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/quoc-hoi-voi-doanh-nghiep-doanh-nhan-can-co-giai-phap-dac-biet-va-dot-pha-trong-tinh-hinh-moi-208029.html