Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 2/2021

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 1122/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 2/2021

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2021

Kính gửi: CHÍNH PHỦ

 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý I1/2021, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong quý II/2021

Trong quý II/2021, VCCI đã tập hợp 28  kiến nghị mới của các doanh nghiệp và  hiệp hội doanh nghiệp. Trong đó đã trả lời, giải quyết 08 kiến nghị, đạt tỷ lệ 28,6%, chưa giải quyết là 20 kiến nghị, chiếm tỷ lệ 71,4%. (có phụ lục kèm theo) 

Tháng

Số kiến nghị đã tiếp nhận

Số kiến nghị đã giải quyết

Số kiến nghị chưa giải quyết

Ghi chú

04/2021

12

1

11

 

05/2021

7

5

2

 

06/2021

9

2

7

 

Tổng số

28

8

20

Xem chi tiết tại phụ lục 1 kèm báo cáo

 Phân loại theo bộ, ngành, địa phương cho thấy: Các bộ, ngành nhận được nhiều kiến nghị trong quý II/2021 bao gồm: Bộ Tài chính: 11 kiến nghị; Bộ Công thương: 06  kiến nghị; Bộ Giao thông Vận tải: 05 kiến nghị; Ngân hàng Nhà nước: 03 kiến nghị. Còn lại các Bộ, ngành, địa phương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Nam Định mỗi nơi nhận được từ 01 đến 02 kiến nghị. Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp quý II/2021 chủ yếu đề xuất với các Bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch CoviD-19 bùng phát và hướng dẫn quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính của kiến nghị bao gồm như sau:

- Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (Visaba) kiến nghị xem xét không thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển tải đi Campuchia và các địa phương trong cả nước. Điều này phù hợp với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh do tác động kéo dài của dịch bệnh Covid-19.

- Hiệp hội vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp:

+ Giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

+ Cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

+ Cho phép các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng được ngừng đóng (không phải đóng) bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021.

+ Cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.

- Xây dựng các quy chuẩn về tiêu chuẩn kỹ thuật, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện lắp đặt camera, khi đó mới nên tham mưu với Chính phủ về thời hạn thực hiện.

- Hiệp hội Vận tải Ô tô kiến nghị có chính sách bổ sung hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của đại dịch CoviD-19:

- Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật cho phù hợp trước tác động mạnh mẽ của đại dịch CoviD-19:

+ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) 11-MT: 2015 về nước thải chế biến thủy sản và Dự thảo QCVN nước thải công nghiệp 2021:

+ Không gộp nước thải, chế biến thủy sản vào QCVN nước thải công nghiệp chung nhiều ngành nghề khác nhau và tiếp tục thực hiện QCVN riêng cho chế biến thủy sản do yếu tố đặc thù của ngành như đã thực hiện riêng trong suốt 20 năm qua.

+ Nâng ngưỡng cho phép của chỉ tiêu Phospho lên mức 40ppm và 30ppm để phù hợp với điều kiện thực tế của nhà máy chế biến thủy sản Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và các nước trong khu vực; sau khi hết lộ trình áp dụng 10 năm (đến 2031).

+ Giữ nguyên ngưỡng kiểm soát của Amoni và Ni-tơ trong QCVN 11-MT 2015.

+ Đưa trại-ao nuôi thủy sản vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo QCVN 62:2021/BTNMT .

+ Không đưa các sản phẩm thủy sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa sản phẩm động vật (đồ khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vào danh mục phải kiểm dịch theo Luật Thú y trừ các sản phẩm tươi sống, ướp lạnh. Các sản phẩm này chỉ chịu kiểm soát theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

+ Kiến nghị giảm tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn xuống còn tốt đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

+ Kiến nghị Tổng cục Hải Quan cho doanh nghiệp tùy theo điều kiện thực tế để lựa chọn hình thức kiểm dịch giữa hai hình thức: kiểm dịch tại kho của doanh nghiệp và kiểm dịch tại cảng, sau đó cơ quan hải quan cho phép mang hàng về kho bảo quản chờ thông quan căn cứ đề xuất của cơ quan kiểm dịch.

- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An kiến nghị:

+ Điều chỉnh nội dung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo hướng “không áp dụng” đối với các Công ty có giao dịch liên kết có cùng mức thuế suất Thuế thu nhập doanh nghiệp.

+ Áp dụng Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ đối với các Công ty giao dịch liên kết không cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết ngoài lãnh thổ Việt Nam để chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách.

- Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm trong thời gian phòng, chống dịch Covid -19, cụ thể:

+ Các trạm, chốt dịch kiểm soát dịch bệnh của địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho xe vận chuyển gia cầm, trứng, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y lưu thông trên địa bàn và tỉnh ngoài sau khi được phun khử khuẩn, đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định.

+ Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, tái cấp vốn, hạ lãi suất cho vay đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét giải ngân các khoản vay; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường phải nộp năm 2021 và 2022; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất, giảm tiền thuế đất trong năm 2021-2022 cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19.

- Công ty cổ phần Thành Công motor Việt Nam kiến nghị  chính sách ưu đãi thuế đối với xe ô tô điện hóa, xe ô tô thân thiện với môi trường. Căn cứ vào bối cảnh thị trường xe ô tô Việt Nam cũng như tham khảo bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực, Công ty đề xuất các chính sách nhằm khuyến khích phát triển và sử dụng các phương tiện xanh, sạch và thân thiện với môi trường tại Việt Nam. (xem chi tiết phụ lục 1)

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

- Trong quý II/2021, VCCI nhận được 08 văn bản trả lời giải quyết kiến nghị cho doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương. (xem chi tiết phụ lục 2).

Qua theo dõi của VCCI, từ 01/04/2021 đến hết 30/06/2021, còn 20 kiến nghị, của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời, trong đó có 05 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận từ cổng dịch vụ công quốc gia chuyển trực tiếp cho các Bộ, ngành, địa phương và 15 kiến do VCCI tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương có  kiến nghị chưa trả lời trong quý II/2021 gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn : 02 kiến nghị; Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Hồ Chí Minh,  UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Long An mỗi nơi có từ 01 đến 02 kiến nghị.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo.

- Nhìn chung các Bộ, ngành đã chủ động tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ chuyển tới khá đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng. Tuy nhiên, còn một số bộ ngành trả lời, giải quyết các kiến nghị doanh nghiệp chưa kịp thời và đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ, do liên quan đến sửa đổi các quy định của pháp luật nên cần phải có thời gian nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền giải quyết. Các kiến nghị do VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ mất thời gian nhiều hơn do sau khi tiếp nhận Văn phòng Chính phủ mới chuyển đến các Bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong quý II/2021, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. - Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp .

- Tham gia ý kiến đối với một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2018/TT-BGTVT về Quy định đăng ký phương tiện giao thông đường sắt và di chuyển của phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt; Thông tư quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2030…

- Tham gia ý kiến đối với một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có: Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá; Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐCP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Thông tư quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế; Đề nghị rà soát quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, đánh giá sơ kết thực tiễn thi hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm; Đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)… (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- Phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến: "Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng". Hội thảo đã tiếp nhận nhiều ý kiến doanh nghiệp phản ánh bất cập về việc Tổng cục Thuế yêu cầu thực hiện kê khai, nộp thuế VAT với hoạt động thư tín dụng (L/C). Cụ thể, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cho rằng do bản chất thuế VAT là thuế gián thu, nên việc “hồi tố”, truy thu thuế VAT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với các tổ chức tín dụng và khách hàng doanh nghiệp. Việc không áp dụng thuế GTGT đối với các khoản thu hoạt động L/C theo hướng dẫn của Bộ Tài chính là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp, đại diện hiệp hội ngân hàng đề xuất Bộ Tài chính xem xét ban hành quy định theo hướng tiếp tục thực hiện thu thuế GTGT đối với L/C theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010, tạo thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

- Tổ chức Lễ phát động Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) năm 2021 theo hình thức trực tuyến thu hút sự tham gia của gần 400 doanh nghiệp và đại biểu. Đây là năm thứ 6 VCCI tổ chức Chương trình CSI, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhằm tìm kiếm và biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt kinh doanh có trách nhiệm trong cả 3 khía cạnh: Kinh tế – Xã hội – Môi trường. Chỉ số CSI 2021 gồm 119 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường; và Chỉ số Lao động – Xã hội. CSI 2021 có điểm mới ở sự phân cấp các chỉ số ra thành 3 cấp độ dành cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau. Để khuyến khích tất cả loại hình, quy mô doanh nghiệp tham gia vào việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm. Bên cạnh đó, CSI 2021 còn có thêm 2 giải thưởng phụ về Bình đẳng giới tại nơi làm việc và Quyền trẻ em trong kinh doanh, thể hiện cho tầm nhìn trong văn hóa doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

- Tham dự Toạ đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng để tăng cường thích ứng, chống chịu và sống chung với dịch của cộng đồng doanh nghiệp, các biện pháp cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính cần mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bên cạnh vắc-xin y tế, cần có một vắc-xin về thể chế và cấu trúc của doanh nghiệp, cần một hệ thống chính sách hợp lý của Nhà nước yểm trợ cho việc hình thành một mô hình, tăng cường khả năng chống chịu. Đồng thời, VCCI mong muốn đề nghị với Quốc hội sẽ có một nghị quyết đặc biệt giao quyền cho Chính phủ trong việc chủ động triển khai các biện pháp thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh. Đây có thể là một giải pháp để giúp Chính phủ ứng phó nhanh hơn với dịch bệnh và phát triển kinh tế.

- Tổ chức Toạ đàm trực tuyến “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng chính phủ trong chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng chống Covid-19”. Lãnh đạo VCCI đã chủ trì Toạ đàm cùng đại diện hơn 10 hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng bàn về các vấn đề xoay quanh việc xã hội hoá việc mua và tiêm vắc-xin nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ phủ rộng tiêm phòng ngừa Covid-19 trong cộng đồng. VCCI đã cùng các hiệp hội doanh nghiệp thảo luận, đưa ra một số kiến nghị cụ thể: đề xuất bổ sung người lao động tại các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất và kinh doanh (không chỉ là người lao động tại các khu công nghiệp) vào danh sách cần được ưu tiên tiêm chủng sớm nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động, ngăn chặn dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh; kiến nghị các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể về việc cho phép hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa việc mua và tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

- Tổ chức hội thảo công bố Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”. Theo Báo cáo, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt). Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm. Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại. Báo cáo đồng thời đưa ra một số giải pháp ngắn hạn và dài hạn hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

- Phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020. Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh/thành phố. Điều tra PCI 2020 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian. Những chuyển động tích cực được ghi nhận bao gồm chi phí không chính thức tiếp tục giảm, an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động, tiên phong hơn, cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng. Bên cạnh đó, kết quả điều tra cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch của môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp. Qua điều tra doanh nghiệp FDI năm 2020, Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng hơn, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng. Đây là năm thứ 16 liên tiếp PCI được VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam – Nguồn gốc và thách thức cho sự tăng trưởng” tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào năng suất trong khu vực doanh nghiệp mà VCCI được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020, về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng phong trào năng suất cho đến nay vẫn còn ở diện hẹp, phân tán và thiếu tính bền vững. Nguyên nhân xuất phát từ quy trình hoạch định và thực thi các chính sách do các cơ quan hoạt động liên quan đến lĩnh vực năng suất nằm rải rác trong các bộ khác nhau nên quá trình giao tiếp liên lạc giữa các bên bị cản trở và chậm trễ. Bên cạnh đó, nhiều chính sách chưa hiệu quả do trong quá trình hoạch định chính sách thiếu cam kết và hỗ trợ từ phía Nhà nước việc thực hiện các dự án cụ thể chưa hiệu quả do thiếu thiết kế chi tiết về nhân sự, ngân sách và cơ chế phù hợp. Vì vậy, cần có một cuộc cách mạng thay đổi tư duy về năng suất từ cấp Trung ương đến doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, cần có một cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng về vấn đề năng suất lao động, tạo hệ sinh thái về năng suất cho doanh nghiệp hướng tới; cần xanh hóa các ngành sản xuất và dịch vụ; định hướng cho doanh nghiệp phát triển theo hướng năng suất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn…

- Phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng Doanh nghiệp thực hiện tốt Bộ công cụ Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs). Đây là lần thứ hai Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) thuộc VCCI và UN Women tổ chức giải thưởng này. Giải thưởng nhằm mục đích khuyến khích và công nhận nỗ lực của các công ty có các sáng kiến, chương trình hành động thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Ngoài ra, giải thưởng giúp nâng cao nhận thức và thu hút ngày càng nhiều công ty vận dụng WEPs trong doanh nghiệp của mình. Giải thưởng Nguyên tắc WEPS 2021 có 6 hạng mục: Lãnh đạo cam kết thúc đẩy bình đẳng giới; Lãnh đạo trẻ cam kết thúc đẩy bình đẳng giới; Bình đẳng giới tại nơi làm việc; Bình đẳng giới tại thị trường; Bình đẳng giới thông qua tham gia vào cộng đồng và quan hệ đối tác; Báo cáo minh bạch về bình đẳng giới.

- Phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn "Đầu tư phát triển Vùng Trung du và miền núi phía Bắc" tại tỉnh Phú Thọ. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, mức độ phát triển và liên kết giữa các tỉnh còn hạn chế. Để đánh thức tiềm năng của vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, cần sự định hướng và ý chí phát triển thống nhất, mạnh mẽ của các địa phương. Ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế tham dự hội nghị, lãnh đạo địa phương kiến nghị cần có quy hoạch phát triển cho vùng này và các quy hoạch chuyên ngành cấp quốc gia, trong giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 để các địa phương có căn cứ thực hiện, cần gia tăng liên kết, phát triển vùng, tạo ra các mũi nhọn, các cực tăng trưởng đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế của các tỉnh, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương trong quy hoạch phát triển kinh tế của cả nước.

- Phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức hội nghị "Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng." Hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics, góp phần đề xuất xây dựng  cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, kêu gọi đầu tư vào ngành dịch vụ logistics Hải Phòng. Tại hội nghị, các diễn giả đã nêu thực trạng và những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp logistics nói chung và của Hải Phòng nói riêng như tác động của EVFTA đến chuỗi cung ứng dịch vụ logistics Hải Phòng; các chính sách và biện pháp nhằm hỗ trợ, phát triển ngành dịch vụ logistics Hải Phòng; việc liên kết và kết nối nguồn hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng; đẩy mạnh liên kết phát triển logistics giữa Hải Phòng, Quảng Ninh với các vùng kinh tế; phát triển hạ tầng logistics, tăng cường kết nối đa phương thức, liên kết vùng qua cửa ngõ cảng biển và hàng không Hải Phòng… Tại Hội nghị này, Ban vận động Hiệp hội logistics Hải Phòng đã chính thức ra mắt.

- Tổ chức một số hội thảo chuyên đề, khóa đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp: Tập huấn “Nâng cao năng lực cho doanh nhân nữ trong nền kinh tế số” tại Hà Nội; Tọa đàm “Giải quyết tranh chấp trực tuyến – Giới thiệu nền tảng hòa giải trực tuyến” tại Hà Nội; Hội thảo “Tăng trưởng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu & phát triển bền vững: Thực trạng và giải pháp” tại TP.HCM; Hội thảo “Bảo đảm hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam – Thực thi Hiệp định VPAFLEGT” tại Hà Nội; Tập huấn “Nâng cao năng lực quản lý hoá chất – phát triển xanh bền vững tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” tại TP.HCM; Tập huấn “hướng dẫn viên Chương trình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tại nơi làm việc” tại Hà Nội; Hội thảo “Chia sẻ kết quả báo cáo nghiên cứu về An toàn, vệ sinh lao động trong chuỗi cà phê và đóng góp xây dựng chiến lược cho dự án” tại TP.HCM;  Tọa đàm “Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức”…

- Tổ chức Hội thảo giới thiệu tài liệu thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong ngành may mặc và da giày Việt Nam. Hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm của Chương trình hợp tác “Thúc  đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” đồng thực hiện bởi VCCI và Ủy ban nhân quyền Úc (AHRC) với sự hỗ trợ của Bộ ngoại giao và thương mại Úc (DFAT). Bộ tài liệu có nội dung tập trung vào quản trị rủi ro đối với con người; đưa quyền con người vào chiến lược kinh doanh, văn hóa và vận hành doanh nghiệp; kết nối và lắng nghe chủ thể quyền và các bên liên quan khác; xây dựng quan hệ để phối hợp hành động. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, là đại diện đến từ Đại sứ quán, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước, trường đại học khối kinh tế và các chuyên gia làm trong lĩnh vực kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững.

III. Kiến nghị

  1. Đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương sớm giải quyết các kiến nghị còn tồn đọng trong quý I và quý II để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Sau khi trả lời, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi cho Văn phòng Chính phủ đồng thời sao gửi cho VCCI để tiện theo dõi việc giải quyết kiến nghị kịp thời.
  2. Trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã quan tâm tháo gỡ khó khăn hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Trong thời gian tới với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành có chính sách cụ thể miễn giảm, gia hạn thời hạn về thuế, lãi xuất, bảo hiểm, cước phí … để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Cần có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn của các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính để chính sách sớm được thực hiện tới người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt xem xét ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động tại các vùng dịch có nguy cơ bị lây nhiễm cao, đồng thời có chủ trương để các doanh nghiệp được chi trả tiền mua vắc-xin Covid-19, chi phí tiêm phòng nhằm chia sẻ và giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước. Như vậy mới đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh” theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần tại Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý II/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ.

 

Nơi nhận :

Như kính gửi;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   

 Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 2/2021 (Tải về)