Ngày Doanh nhân nghĩ về “Nghề Doanh nhân”

Nghề mà luôn phải làm bạn với thử thách

CEO Lê Dung Nghề cho rằng: Doanh nhân khác với các nghề khác, nghề doanh nhân là người không cần đào tạo và bằng cấp bài bản cũng có thể làm được. Và thước đo thành công không nằm ở chỗ tay nghề mà chủ yếu dựa vào kết quả, thành quả kinh doanh. Mọi người ai cũng có thể làm doanh nhân nhưng đa phần là thất bại còn thành công là con số rất nhỏ.

Sức hút của nghề doanh nhân là sự tự do từ tự do trong suy nghĩ, trong ý tưởng, sáng tạo, và đặc biệt là trong việc tự kiểm soát thời gian của chính mình nên rất nhiều người muốn trở thành doanh nhân. Nhưng lý do sâu xa nhất phải nói là phần thưởng mà nghề doanh nhân mang lại là một khi thành công - vượt xa những rủi ro, khó khăn mà nó phải hứng chịu đó là vật chất và tinh thần. Họ luôn cảm thấy sung sướng khi thấy sản phẩm của mình sáng tạo ra được bày bán khắp nơi và cảnh tượng đẹp đẽ hơn khi thấy nhà hàng mình vừa mở cửa đã đầy ắp khách hàng và những lời khen. Và cuộc sống của mọi người xung quanh được hoàn thiện hơn mỗi ngày bởi chính những giải pháp mà công ty mình đem lại.

CEO Lê Dung - TGĐ Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup (trái) thực hiện hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
CEO Lê Dung - TGĐ Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup (trái) thực hiện hỗ trợ công tác phòng chống dịch. 

Nghề doanh nhân luôn phải đau đầu với bài toán số nhân. Nhưng nghề doanh nhân còn phải đối mặt với phép chia, ngoại trừ các phép chia từ biến cố. Doanh nhân cả cuộc đời làm tính nhân để cốt có đủ “số” mà làm toán chia. Toán chia cũng khiến họ đau đầu không kém toán nhân bởi họ cứ phải chia sao đảm bảo theo kiểu mọi nhà, mọi người cùng thắng. Nhân xong rồi chia cho nhân viên, cho cổ đông, cho cộng đồng… Bài toán chia hạnh phúc. Khoảnh khắc giải được bài toán chia hạnh phúc đó mới là khoảnh khắc mà cả đời Doanh nhân cứ đeo đuổi. 

Nghề mà đạo đức phải là nền tảng và không ngừng học hỏi

Hiện nay còn nhiều kiểu làm ăn chụp giật, luồn lách, dối trá... Chẳng hạn như khi dùng thủ thuật lừa dối khách hàng để bán được sản phẩm kém chất lượng hay doanh nhân kinh doanh dựa trên các lợi thế về quan hệ để được hưởng đặc quyền, đặc lợi kinh doanh đứng trên pháp luật hoặc nhiều doanh nhân giỏi luồn lách để thông quan sản phẩm bị cấm, tung ra thị trường những sản phẩm không đạt chuẩn theo quy định...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các doanh nhân làm ăn kiểu chụp giật, luồn lách, dối trá. Xã hội muốn có đội ngũ doanh nhân chân chính, làm giàu theo phương châm tạo ra giá trị tích cực cho xã hội, điều căn bản nhất cần chú trọng việc giáo dục văn hóa và đạo đức kinh doanh cho các thế hệ trẻ vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường về những đức tính cởi mở, thật thà, kiên nhẫn, tránh xa sự đố kỵ, mưu mẹo và dối trá để được mọi người chấp nhận và cộng tác.

Ngoài ra doanh nhân phải có niềm đam mê học hỏi không ngừng nhanh chóng nắm bắt cái mới và vận dụng để cải tiến, sáng tạo trong kinh doanh. Khi doanh nhân chú trọng việc học sẽ biết quan tâm đến phát triển đội ngũ, thuận lợi hơn trong việc thu hút nhân tài và đào tạo thế hệ kế cận. Việc học được biểu hiện qua sự chia sẻ, trải nghiệm và tự học, học từ xã hội và nhân viên của mình. Nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ hiểu rằng mọi doanh nhân đều có điểm hạn chế riêng của mình, không ai là hoàn hảo. Và trên bước đường kinh doanh đầy chông gai, doanh nhân phải liên tục học hỏi trau dồi kiến thức, học ngay ở những cái giá trong thất bại của mình.