Bồn nước nằm chen chúc trên nóc nhà các khu tập thể cũ ở Hà Nội

 
Bình chứa nước inox được lắp đặt dày đặc trên mái nhà của một khu tập thể cũ thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội). Chỉ khi đứng tại một vị trí cao mới có thể thấy được cảnh tượng này.
 
Việc đặt bồn nước trên nóc nhà đã có từ rất lâu, và đa số là các hộ dân tự đưa lên để phục vụ nhu cầu tích trữ nước sinh hoạt.
 
 Chỉ một dãy nhà thuộc khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) đã có gần 50 bình nước được lắp đặt trên mái nhà.
 
Tại dãy nhà C2 khu tập thể Thanh Xuân Bắc, nhiều vị trí được viết chữ cảnh báo "Mái yếu, không để bồn ở đây". Những khu nhà cao tầng này hầu hết được xây dựng từ lâu và hiện tại đang xuống cấp.
 
 "Tôi cũng vừa xem qua một số hình ảnh tương tự được chia sẻ trên mạng xã hội. Mới nhìn vào thì thật sự thấy rất nguy hiểm vì những bình nước đó được lắp đặt lộn xộn, có cảm giác lỏng lẻo. Tuy nhiên tôi cũng chưa nắm được thông tin nào liên quan đến việc có bình nước từ các khu nhà như vậy rơi xuống", chị Trần Thị Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay.
 
Ở các khu tập thể cũ như Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Ðình), Trung Tự, Kim Liên (Ðống Ða), Thanh Xuân (Thanh Xuân)... hiện đang có rất nhiều gia đình lắp đặt bình nước trên mái nhà.
 
 Đây là hình ảnh tại khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) góc nhìn từ hồ Thành Công. Có thể thấy bình nước được lắp đặt dày đặc trên nóc các dãy nhà.
 
 Theo một số người dân sinh sống tại các khu tập thể này, việc lắp bình nước trên mái nhà nhằm trữ nước sạch phục vụ sinh hoạt vì hệ thống nước sạch tại đây thường xuyên gián đoạn, trong nhà thì chật chội nên "bất đắc dĩ mới phải đem lên trên".
 
 Trước các ý kiến lo ngại việc lắp đặt bình nước như trên của người dân sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của ngôi nhà, gây sụt lún... trao đổi với PV báo Lao Động, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, đó mới là những ý kiến theo cảm quan, chưa có minh chứng cụ thể. 
 
 Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, mỗi một công trình lại có một kết cấu khác nhau, phải biết kết cấu của ngôi nhà đó như thế nào, cách bố trí các bình nước ra sao, có tình huống cụ thể thì mới có thể phân tích mức độ ảnh hưởng.
 
 "Điều quan trọng nhất bây giờ là phải tìm giải pháp khắc phục khó khăn của người dân, vì sao họ lại phải tự lắp đặt các bình nước như vậy. Nếu có cơ chế quản lý phù hợp thì sẽ xử lý được những vấn đề trên", Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho hay.
 
 
 Hiện phần lớn các dãy nhà tập thể cũ được cải tạo lại tầng 1 để kinh doanh buôn bán.
 
Việc người dân lo ngại các bình nước, hay thường được ví như những quả "bom" nước trên mái nhà sẽ gây nguy hiểm cũng là điều tất yếu, bởi hiện nay các khu nhà tập thể cũ ở Hà Nội đang bị xuống cấp nghiêm trọng. 
 
 
 Hình ảnh tại các dãy nhà tập thể cũ trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội).

Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ. Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơ nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện dự án cải tạo. Theo đó sẽ ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng (cấp độ D và C cận D). Hiện thành phố đã hoàn thành việc rà soát, xây dựng danh mục. Hà Nội phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn trong Quý 2 của năm 2023.