Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính, doanh nghiệp phải thay đổi

Thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính”

Với dân số đông nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường thương mại tiềm năng của cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Quyết định số 248 “Quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc” có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 với hàng loạt quy định mới siết chặt các điều kiện nhập khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản vào thị trường này.

Mặc dù dành nhiều ưu đãi đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam, nhưng từ 1.1.2021, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường này không còn dễ dàng như trước. Theo Vụ Thị trường Châu Á, Châu Phi (Bộ Công Thương), trong hai năm trở lại đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến phía Trung Quốc siết chặt hoạt động nhập khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, kể từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc liên tục thông báo tạm dừng nhập khẩu nông sản từ nhiều cửa khẩu với Việt Nam, do Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách “Zero Covid” và đang là quốc gia duy nhất xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên bao bì các loại nông sản thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc.

Nhiều loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất lớn. Ảnh: Vũ Long
Nhiều loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất lớn. Ảnh: Vũ Long

Còn theo TS Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), thực tế trong 10 tháng  năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

“Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc” – TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Không để mất một thị trường “cả thế giới thèm khát”

Trao đổi với PV Lao Động trưa 24.11, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam - cho biết: Nếu so với các thị trường khác như Châu Âu (EU) hay Hoa Kỳ, thì Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường thuận lợi nhất cho nông sản Việt Nam, mà yếu tố cơ bản nhất là địa chỉ gần gũi, thời gian vận chuyển ngắn, logistic thuận lợi.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á, Châu Phi khẳng định: “Chỉ 3-5 năm nữa thôi, Trung Quốc sẽ đưa hoạt động thương mại biên mậu theo đường tiểu ngạch về đúng bản chất của nó là “trao đổi cư dân biên giới”, nhằm mục đích cải thiện đời sống người dân hai bên.

Nếu doanh nghiệp coi thị trường Trung Quốc giống như thị trường Nhật Bản hay EU và có cách tiếp cận, tầm nhìn cũng như cách xử lý khác thì mọi việc sẽ đơn giản. Còn nếu doanh nghiệp vẫn giữ kinh nghiệm, nhận thức và tiếp cận thị trường với một con mắt của 10-20 năm trước thì chắc chắn là sẽ để mất đi một thị trường cả thế giới thèm khát dù có vị trí địa lý gần gũi, nhu cầu hàng hoá ở mức khổng lồ".

Mới đây, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc tổ chức ngày 22.11.2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất một số sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, bao gồm tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp dự kiến trị giá khoảng 150 tỉ USD trong 5 năm tới. Đây là cơ hội cho Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp cần thay đổi cách làm mới có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao để vào được thị trường này.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, các doanh nghiệp phải đặt mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt cao hơn việc bán hàng và cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể với kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt, cần sự hiểu biết tổng quan hơn, dài hơi hơn không chỉ về nhu cầu mới của thị trường Trung Quốc mà còn phải hiểu cả thị trường, thế mạnh của những nước láng giềng đang xuất khẩu vào thị trường này như Thái Lan, Indonesia…

Theo đánh giá của TS Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), hàng hóa của một số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ các quy định từ phía bạn và vẫn còn đâu đó những vấn đề vi phạm về sâu bệnh hại, chế biến hoặc không tuân thủ các quy định về mã số hàng hóa. Do đó, cần xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn để xuất khẩu bền vững. 

Theo Bộ Công Thương, chỉ riêng mặt hàng nông sản, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng trên 160 tỉ USD, trong đó, kim ngạch nông sản của Việt Nam sang thị trường này chiếm chưa đến 10% thị phần, chỉ đạt khoảng 10 tỉ USD. Đây là một điều rất đáng tiếc bởi vị trí địa lý 2 nước “núi kề núi, sông liền sông”.