COVID-19 khiến yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn lao động cấp thiết hơn bao giờ hết

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Vai trò của Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và vận động doanh nghiệp tham gia phát triển kỹ năng nghề” do Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.


Hội thảo “Vai trò của Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và vận động doanh nghiệp tham gia phát triển kỹ năng nghề” do Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI tổ chức chiều ngày 25/11.

Đồng thời cũng gặp không ít thách thức, nhất là thách thức về chất lượng nguồn nhân lực theo xu hướng đòi hỏi ngày càng cao. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, giải pháp tôt nhất đối với mỗi quốc gia là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng của người lao động.

“Do đó đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là tất yếu, cần phải được ưu tiên trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Theo đó, việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đã được khẳng định là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo các cấp của Việt Nam luôn đánh giá cao và có các chỉ đạo quyết sách phù hợp đối với công tác phát triển nguồn nhân lực và có những chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo trong đó có giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

“Doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm trong việc đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp của mình, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo, đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo như xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề, tạo dựng cơ sở vật chất và các điều kiện cần và đủ cho giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm cho các cơ sở GDNN, đồng thời thường xuyên có thông tin phản hồi cho cơ sở GDNN về mức độ hài lòng đối với “sản phẩm” đào tạo giúp cơ sở GDNN điều chỉnh quá trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.


Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng (bên trái) nhấn mạnh, doanh nghiệp vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng vì vậy, Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giáo dục nghề nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và của người lao động cũng như của người sử dụng lao động.

Nhấn mạnh bối cảnh yêu cầu phát triển nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra, bối cảnh hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 với những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI là tổ chức mới tham gia làm thành viên của ACE trong năm 2021, do đó, mong muốn các đại biểu, các chuyên gia, nhà quản lý quốc tế và trong nước với bè dày kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ chia sẻ tích cực, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu qua các tham luận và ý kiến trao đổi về những định hướng, cách tiếp cận và thực tiễn thực hành của các bên trong việc tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, từ đó xây dựng và phát triển các mô hình tốt nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo của nhà trường góp phần cải thiện chất lượng nguồn lao động, đáp nhu cầu của doanh nghiệp và mỗi quốc gia thành viên cũng như sự hợp tác sâu trong nội khối về lĩnh vực này.

Ông Jan Wilhelm Grythe, Phó Đại sứ Nauy tại Việt Nam nhấn mạnh, các quốc gia trên toàn cầu đang chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, điều này tác động khiến thị trường lao động cũng biến đổi ở mỗi quốc gia, tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp.


Ông Jan Wilhelm Grythe, Phó Đại sứ Nauy tại Việt Nam nhấn mạnh, các quốc gia trên toàn cầu đang chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, điều này tác động khiến thị trường lao động.

Phó Đại sứ Nauy cảm ơn sự phối hợp của Chính phủ Việt Nam và các cơ quan của Việt Nam trong việc đào tạo cải thiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cụ thể như tích cực nỗ lực tham gia các hiệp định thương mại, thành lập, phối hợp các tổ chức đại diện người lao động và người sự dụng lao động, chia sẻ với các quốc gia về quá trình này… Thể hiện sự hoà nhập của ViệtNam vào thị trường lao động quốc tế và ASEAN.

“Chính phủ Nauy hoàn toàn ủng hộ chính phủ Việt Nam trong các nỗ lực như vậy”, Phó Đại sứ Nauy nhấn mạnh đồng thời bày tỏ tin tưởng, đánh giá cao những đóng góp của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam vào việc thực hiện đào tạo lao động.

Cần cơ chế phối hợp các bên

Bởi theo ông Jan Wilhelm Grythe, người lao động có trình độ cao đóng vai trò quan trọng giúp giải quyết nhiều vấn đề hiệu quả, bên cạnh đó là vấn đề chi phí lao động.

“Trong quá trình đào tạo này, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đào tạo tay nghề người lao động, đặc biệt trong bối cảnh phát triển liên tục của công nghệ”, Phó Đại sứ Nauy khẳng định.

Đồng thời đặc biệt nhấn mạnh tới sự phối hợp giữa các quốc gia trong vấn đề này là rất cần thiết và quan trọng, nhằm giúp doanh nghiệp có nguồn lao động trong ngắn hạn và lâu dài. Hơn nữa, không chỉ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tại các quốc gia ASEAN mà có thể là đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp tại châu Âu như Nauy.


Đại diện từ các quốc gia Indonesia, Singapore, Lào, Malaysia, Philipines cùng thảo luận về vấn đề đào tạo lao động.

Từ đầu cầu trực tuyến tại Nauy, ông Magnus Ruderaas, Quản lý dự án của Liên đoàn Giới sử dụng lao động Nauy cho biết, tại Nauy chi phí cho người lao động rất cao, do đó phải đầu tư đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

“Chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với các trường từ các cấp, các cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức cũng như Chính phủ trong việc đào tạo tại chỗ ngay tại doanh nghiệp để nâng cao chất lượng lao động. Các nỗ lực nhằm đảm bảo rằng sinh viên sau khi tốt nghiệm có cả kỹ năng cứng và mềm, được trang bị đầy đủ các kỹ năng thực hành tại doanh nghiệp”, ông Magnus Ruderaas chia sẻ.

Cho rằng một điều may mắn ở các quốc gia ASEAN là các quốc gia có mối quan hệ bền chặt, có sự phối hợp hiệu quả khi mà các quốc gia đều đang chịu tác động từ đại dịch Covid-19, do đó, đại diện giới chủ Nauy cho rằng, chúng ta cần phối hợp hơn nữa, phát triển mạnh mẽ và bền bỉ hơn.

Cũng theo ông Magnus Ruderaas, giới trẻ chính là đối tượng chịu tác động nhiều nhất của đại dịch Covid-19. “Họ không có nhiều sự lựa chọn về đào tạo trong bối cảnh Covid này, do đó, phải giúp hệ thống giáo dục nhận biết được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. Để giúp các tổ chức, các cơ sở đào tạo có sự thấu hiểu cần những nỗ lực trao đổi hiệu quả”, Quản lý dự án của Liên đoàn Giới sử dụng lao động Nauy khẳng định.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/covid-19-khien-yeu-cau-ve-nang-cao-chat-luong-nguon-lao-dong-cap-thiet-hon-bao-gio-het-211657.html