Giao dịch bằng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước giảm mạnh

Hướng tới “Quốc gia không tiền mặt” theo chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, cũng như thực hiện các cải cách để tiến tới “Kho bạc 3 không” (không tiền mặt, không chứng từ giấy, không khách hàng giao dịch trực tiếp), thời gian qua, KBNN đã tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN).

Giao dịch không dùng tiền mặt giúp nhanh về đích “Kho bạc 3 không”
Hoạt động tại Kho bạc Nhà nước Hòa Bình.

Theo đó, trong công tác thu NSNN, KBNN đã mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu NSNN như: Tài khoản chuyên thu, tài khoản thanh toán của KBNN tại các Ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia thanh toán song phương điện tử hoặc thu qua thanh toán liên ngân hàng. Đẩy mạnh phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN cho các NHTM với nhiều hình thức đa dạng (ủy nhiệm thu thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính), đặc biệt là ủy nhiệm thu bằng tiền mặt.

KBNN đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nâng cấp chương trình Thanh toán điện tử liên ngân hàng (CITAD 2.5) phục vụ cho việc mở rộng phạm vi phối hợp thu NSNN với các NHTM. Từ năm 2017, KBNN đã hoàn thành triển khai mở rộng thanh toán liên ngân hàng cho tất cả KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng thời, KBNN đã phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các NHTM triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN để chia sẻ dữ liệu thu và tổ chức phối hợp thu NSNN bằng các hình thức điện tử. KBNN cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người nộp NSNN sử dụng các hình thức thu nộp điện tử như: Thu qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, qua các ứng dụng điện tử của các NHTM (Internet - banking, mobile - banking, ATM) hoặc qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… Bên cạnh đó, KBNN đã triển khai lắp đặt và sử dụng thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại các đơn vị KBNN để phục vụ thu NSNN.

Trong chi NSNN, KBNN đã từng bước chuyển hoạt động chi NSNN bằng tiền mặt sang các NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán. Phối hợp với NHNN và NHTM khảo sát tình hình cung ứng dịch vụ của các hệ thống NHTM tại từng địa bàn, ban hành các công văn hướng dẫn mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thanh toán không dùng tiền mặt
giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông
rõ ràng hơn

Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước, việc thanh toán không dùng tiền mặt được đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn. Còn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, hình thức thanh toán này cũng hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng.

Tính đến ngày 15/10/2021, đã có 1.763 địa bàn cấp xã thực hiện chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN; 80.616/85.892 đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện chi thanh toán cá nhân qua tài khoản (đạt 93,86%); 2.612.262/2.783.138 người hưởng lương từ NSNN (không bao gồm quân số của đơn vị an ninh - quốc phòng) thực hiện nhận lương qua tài khoản (đạt gần 94%).

KBNN cũng hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các đơn vị sử dụng ngân sách mở và sử dụng thẻ tín dụng trong chi NSNN. Hết năm 2020, cả nước có 47 đơn vị sử dụng ngân sách đã phát hành thẻ tín dụng, tập trung tại các thành phố lớn có hạ tầng thanh toán tốt như: Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, KBNN đã đẩy mạnh chi NSNN qua thanh toán song phương điện tử, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán liên kho bạc…

Với các cải cách đã thực hiện, số thu, chi NSNN bằng tiền mặt tại KBNN đã giảm mạnh. Theo báo cáo của KBNN, tại thời điểm này, tổng thu bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chỉ chiếm 0,33% so với tổng thu qua KBNN; số chi NSNN bằng tiền mặt qua KBNN chiếm 0,63% so với tổng chi qua KBNN.

Tăng tốc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Để củng cố các tiện ích của Kho bạc điện tử và hoàn thiện “Kho bạc 3 không”, các KBNN địa phương cũng đang gấp rút thực hiện không giao dịch bằng tiền mặt trực tiếp tại trụ sở.

Ông Lê Hoài Thanh, Giám đốc KBNN Hòa Bình cho biết, từ tháng 9/2021, tất cả các đơn vị KBNN trực thuộc KBNN Hòa Bình đã thực hiện không giao dịch tiền mặt trực tiếp.

Trước đó, vào tháng 6/2021, KBNN huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện thí điểm công tác này. Theo đó, KBNN Yên Thủy đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh huyện Yên Thuỷ thực hiện không thu tiền mặt đối với các khoản nộp NSNN của các đơn vị, tổ chức kinh tế. Thay vào đó, việc thu NSNN bằng tiền mặt thực hiện tại ngân hàng theo đúng thỏa thuận phối hợp thu. Bên cạnh đó, KBNN Yên Thuỷ cũng đẩy mạnh kiểm soát chặt các khoản chi bằng tiền mặt, các đơn vị giao dịch có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên trong một lần giao dịch thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng.

Như vậy, từ tháng 6 đến nay, KBNN Yên Thuỷ đã dừng toàn bộ giao dịch bằng tiền mặt của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tại trụ sở KBNN. Các hoạt động thu ngân sách nhà nước, thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, qua tài khoản của người nộp thuế, nộp phạt tại các ngân hàng thương mại hoặc nộp tiền mặt trực tiếp tại điểm giao dịch của ngân hàng thương mại. Tất cả trường hợp rút tiền mặt hay có nhu cầu nộp tiền mặt vào tài khoản mở tại KBNN, các đơn vị đến các điểm giao dịch của Agribank để thực hiện.

Ông Lê Hoài Thanh cho biết, chính nhờ tuyên truyền, vận động mà người dân đã hiểu và dần từ bỏ thói quen dùng tiền mặt. Các tổ chức, cá nhân cũng sẵn sàng áp dụng các phương thức chuyển tiền hiện đại không dùng tiền mặt, góp phần giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt trong khu vực công và tiết kiệm chi phí xã hội. Việc này đã tạo tâm lý an toàn, thoải mái cho người dùng khi tiếp cận với các phương thức thanh toán điện tử.

Tại KBNN Thái Nguyên, cũng từ ngày 1/6/2021, đơn vị đã dừng toàn bộ các giao dịch bằng tiền mặt trực tiếp tại trụ sở kho bạc.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hường - Giám đốc KBNN Thái Nguyên cho biết, việc dừng giao dịch bằng tiền mặt trực tiếp là để thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM; thực hiện chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, KBNN Thái Nguyên đã đề nghị các đơn vị sử dụng ngân sách, các đơn vị giao dịch tiếp tục đẩy mạnh vận động đăng ký thanh toán cá nhân qua tài khoản ngân hàng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động theo hợp đồng…, kể cả người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, tổ dân phố theo Nghị quyết 07/2019/NQ- HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh quy định về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi tiền mặt qua KBNN theo quy định.

Bên cạnh đó, KBNN Thái Nguyên cũng đề nghị các đơn vị sử dụng ngân sách tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, phấn đấu 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN và Cổng dịch vụ công quốc gia, tiến tới không sử dụng chứng từ, hồ sơ giấy giao dịch trực tiếp với KBNN theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Có thể thấy, việc TTKDTM đều đã và đang được các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống tăng tốc triển khai, đồng thời KBNN đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là thực hiện mục tiêu hoàn thành 100% thủ tục trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đây chính là những bước cải cách căn bản để KBNN sớm về đích “Kho bạc 3 không”.

Phần lớn địa phương, đơn vị đã chi thanh toán cá nhân qua tài khoản

Tính đến ngày 15/10/2021, đã có 1.763 địa bàn cấp xã thực hiện chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước; 80.616/85.892 đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện chi thanh toán cá nhân qua tài khoản (đạt 93,86%); 2.612.262/2.783.138 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không bao gồm quân số của đơn vị an ninh - quốc phòng) thực hiện nhận lương qua tài khoản (đạt gần 94%).