Xây dựng văn hoá chính trị - giải pháp quan trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nhất quán nhận thức về văn hóa chính trị

Trong chúng ta có lẽ ai cũng hiểu, văn hóa chính trị (VHCT) là bộ phận của văn hóa nói chung. Chủ trương: “Xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị (HTCT); xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ...” thực chất là xây dựng VHCT trong Đảng, trong HTCT và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước.

Có nhiều cách hiểu về VHCT, nhưng tựu chung VHCT là một phương diện cụ thể của văn hóa đề cập đến sự phát triển của con người thể hiện ở trình độ hiểu biết về chính trị, trình độ tổ chức bộ máy quyền lực. VHCT gắn liền với mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp, thành phần, dân tộc trong một quốc gia và giữa các nhà nước, các quốc gia với nhau theo một chuẩn giá trị nhất định. Chỉ xuất hiện trong xã hội có giai cấp, mục tiêu của VHCT không gì khác là điều hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai cấp và bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ xã hội. 

Trong VHCT có VHCT cá nhân và VHCT tổ chức. Đây được xem là hai bộ phận của VHCT. Giữa VHCT cá nhân và VHCT tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng. VHCT tổ chức là môi trường, điều kiện để VHCT cá nhân thể hiện, phát huy. Ngược lại VHCT cá nhân ảnh hưởng rất lớn, có tính quyết định đến sự phát triển của VHCT tổ chức. 

Đảng ta là một tổ chức rất chặt chẽ. HTCT của ta là tổng thể các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể xã hội. VHCT tổ chức của Đảng và HTCT như thế nào là phụ thuộc vào VHCT cá nhân của các cán bộ, đảng viên, công chức, đặc biệt là những cán bộ cấp cao, những đảng viên giữ vai trò chủ trì, người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ngược lại VHCT tổ chức của Đảng và HTCT tác động, ảnh hưởng rất lớn đến cách ứng xử, phương pháp công tác, lối tư duy, năng lực hành động của cán bộ, đảng viên, công chức.

Văn hóa chính trị nâng tầm vai trò lãnh đạo của Đảng

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư nêu rõ: “Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...”. Quan điểm ấy là hoàn toàn đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa VHCT cá nhân với VHCT tổ chức.

Theo đó, quan điểm, tư tưởng chính trị được thể hiện dưới dạng văn hóa và cũng thông qua văn hóa để đi vào lòng người.

Điều ấy cũng có nghĩa muốn xây dựng con người có nhân cách; muốn tập hợp được quần chúng nhân dân, huy động được mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Ngược lại chúng ta chỉ có thể xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh khi con người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên - những hạt nhân chính trị trong tổ chức, trong môi trường ấy có văn hóa.

Theo Tổng Bí thư: “Đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ... Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa...”. 

Điểm lại một cách vắn tắt quá trình lãnh đạo và những thành quả đạt được trên mặt trận văn hóa của dân tộc nói chung và VHCT nói riêng từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, Tổng Bí thư khẳng định: Đảng ta luôn chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và các lĩnh vực khác, trong đó đặc biệt là văn hóa và chính trị, xây dựng văn hóa trong Đảng và trong HTCT... Điều mà ấy đã được minh chứng rất rõ trong thực tiễn. 

Thể hiện tập trung nhất của VHCT tổ chức trong Đảng đó là Đảng ta không ngừng vươn lên ngang tầm nhiệm vụ, trở thành đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sự chèo lái vững vàng của Đảng là nhân tố quyết định đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi phong ba, bão táp đến bến vinh quang. Chính nhờ VHCT mà vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng tầm, HTCT hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, mở ra cơ hội cho cán bộ, đảng viên, công chức phát huy vai trò. 

Bên cạnh những thành quả đạt được, vấn đề xây dựng VHCT trong Đảng và HTCT còn nhiều nội dung đáng bàn. Đặc biệt, chất lượng hoạt động của một số tổ chức đảng chưa đáp ứng kịp yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới. Không ít tổ chức đảng vai trò hạt nhân chính trị, vai trò lãnh đạo nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hạn chế. VHCT cá nhân trong cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng.

Văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”; “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... còn diễn biến phức tạp”. 

Xây dựng văn hóa góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

Đảng ta khẳng định rõ, đó là những hành vi vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Những hành vi ấy đã ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Những hạn chế, bất cập ấy nếu không được sửa chữa, khắc phục sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Để khắc phục những hạn chế đó, trong nhiều văn kiện, Đảng ta yêu cầu phải: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực… của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ trì các cấp.

Tổng Bí thư cũng nhiều lần khẳng định quyết tâm của Đảng ta là: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức kỷ cương, liêm chính... nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng HTCT trong sạch, vững mạnh. 

Chúng ta đều hiểu những suy nghĩ và việc làm tốt đẹp góp phần rất quan trọng xây dựng một xã hội văn hóa. Ngược lại những hành vi xấu xa, những việc làm sai trái, trong đó có tham nhũng, tiêu cực là hành vi vô văn hóa, phản văn hóa. VHCT vừa là kỷ luật, pháp luật để con người ta tuân thủ vừa thuyết phục, cảm hóa ý thức văn hóa, tinh thần nhân văn trong mỗi con người, nhất là những cán bộ, đảng viên, công chức. Người cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là những người lãnh đạo, quản lý chủ chốt có VHCT sẽ tự thấy trách nhiệm trong chấp hành nguyên tắc, kỷ luật, pháp luật. Đồng thời, cán bộ, đảng viên, công chức có VHCT cá nhân sẽ ý thức rõ trách nhiệm của mình trước sự phát triển của tổ chức, của dân tộc; nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân; tự thấy sự cần thiết phải gương mẫu.

Không chỉ cổ vũ, động viên, khuyến khích những việc làm tốt đẹp, hữu ích cho tập thể, cho đất nước, VHCT với tư cách là hệ chuẩn giá trị khoa học - cách mạng - nhân văn còn đấu tranh phản bác, loại bỏ, chống lại việc những suy nghĩ và hành động trái đạo đức, vi phạm kỷ luật, pháp luật; hướng con người ta đến những việc tốt đẹp vì lợi ích tập thể, trong đó có lợi ích của cá nhân mình. VHCT cá nhân giúp cán bộ, đảng viên, công chức cảm thấy xấu hổ khi làm những điều xấu, điều sai trái không cho phép mình làm điều phi văn hóa, trái đạo đức, vi phạm kỷ luật, pháp luật…

Theo tinh thần ấy, Đảng, Nhà nước ta xác định xây dựng văn hóa nói chung, VHCT nói riêng là biện pháp quan trọng để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn đúng đắn.