Sáng 5/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, cuộc tọa đàm cấp cao với chủ đề Một số gợi ý về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã diễn ra với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang thấp

Đồng tình với các quan điểm được nêu tại Diễn đàn về sự cần thiết có gói hỗ trợ cho phát triển kinh tế, đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu đề cập tới khía cạnh khả năng hấp thụ nguồn lực và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Hoàng Văn Cường, việc đánh giá khả năng hấp thụ có liên quan tới hai khía cạnh là tốc độ chuyển vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển và hai là sức tăng trưởng tín dụng. Hiện nay, cả hai yếu tố này đều đang chậm. Giải ngân đầu tư công hiện mới đạt 70%, khó có khả năng về đích cuối năm. Tăng trưởng tín dụng mới khoảng 9%. Như vậy khả năng hấp thụ vốn vào nền kinh tế đang khá thấp.

Vấn đề nguy hiểm hơn là nguồn vốn vào nền kinh tế nhưng có vào hoạt động sản xuất kinh doanh hay chệnh hướng? GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích, để đo lường hoạt động này có thể dùng tỷ lệ vốn đầu tư so với giá trị sản xuất tạo ra, nếu hiệu quả thì 1 đồng đầu tư đưa vào sẽ tạo ra giá trị lớn hơn 1 đồng. Còn ở ta hiện nay, đầu tư 100 đồng thì mới tạo ra giá trị 71 đồng, còn lại 29 đồng “đi đâu đó”. Số này có thể đi vào tiêu dùng, kéo lạm phát lên, hoặc đáng lo hơn là đi vào đầu cơ, như là bất động sản hay chứng khoán, kéo các thị trường này tăng giá.

Ông Hoàng Văn Cường
GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu tại Diễn đàn

Thông thường, thị trường chứng khoán tăng thường do sức khỏe của nền kinh tế mạnh lên nhưng hiện nay chứng khoán tăng nhanh mà kinh tế tăng trưởng chậm. Điều này chứng tỏ tiền đổ vào nhiều làm chứng khoán tăng, cho thấy sức hấp thụ vốn có vấn đề, vị đại biểu Quốc hội phân tích.

Tuy nhiên, GS.TS Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh không thể vì thế mà không tăng nguồn lực hỗ trợ, vấn đề là phải giải quyết được điểm nghẽn trong hấp thụ vốn. Theo đó, cần đẩy nhanh đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, kiểm soát để vốn đi vào lĩnh vực cần thiết.

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng, ngoài các giải pháp đã có, ông Hoàng Văn Cường cho rằng doanh nghiệp không chỉ trông chờ giảm hay được hỗ trợ lãi suất, mà ngay cả với lãi suất hiện nay doanh nghiệp còn khó tiếp cận được.

Theo ông, ngân hàng cần thay đổi phương thức tiếp cận vốn, không quá phụ thuộc vào tài sản bảo đảm, thế chấp mà nên đồng hành với doanh nghiệp để giải ngân theo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với việc thanh toán không tiền mặt đang được phát triển nhanh hiện nay, ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong quản lý dòng tiền để hạn chế dòng tiền chệch hướng khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với đầu tư công, nhấn mạnh bối cảnh đặc biệt cần giải pháp đặc biệt, ông Hoàng Văn Cường đề xuất đặt hàng tư nhân giải ngân đầu tư công, chứ không chỉ các cơ quan nhà nước như quy trình truyền thống. Việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực tạo ra cơ hội phát triển như nhà ở xã hội.

“Các chính sách hiện nay chủ yếu về phục hồi, còn về phát triển bền vững, đột phá chưa được nói nhiều. Đây là giai đoạn Chính phủ cần dùng vốn đặt hàng để phát triển những ngành trụ cột như nhà ở, đường sắt đô thị, dịch vụ hậu cần tàu biển… Chương trình phục hồi phải gắn chặt chẽ với tái cấu trúc nền kinh tế, để nền kinh tế không chỉ phục hồi mà gắn với phát triển bền vững” -GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất.

Ông Đặng Hồng Anh
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam phát biểu

Gói hỗ trợ cần được giám sát “từ xa, từ sớm”

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam phát biểu nhấn mạnh khía cạnh giám sát, phối hợp trong triển khai gói hỗ trợ.

Dẫn ví dụ từ gói kích cầu năm 2009, ông Đặng Hồng Anh cho biết mặc dù gói kích cầu góp phần giúp tăng trưởng kinh tế nhưng cũng gây ra hệ lụy cho nền kinh tế do việc thực hiện còn thiếu đồng bộ, chưa đúng đối tượng. Do thiếu cơ chế giám sát, phối hợp, đồng bộ nên dòng tiền ít vào sản xuất mà vào chứng khoán, bất động sản, gây lạm phát, bất ổn vĩ mô.

Do đó, đại diện Hội doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện gói hỗ trợ sắp tới, theo tinh thần “từ xa, từ sớm”.

Mô hình giám sát chính sách “từ xa, từ sớm” là mô hình tiên tiến nhất hiện nay về giám sát thực thi chính sách theo phương châm khoa học, toàn diện và xuyên suốt bắt đầu ngay từ khâu xây dựng chính sách và việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách.

Cách làm này đặc biệt phù hợp với các chính sách kích cầu kinh tế bởi nó cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh “sự đã rồi” hay những bất cập không được giải quyết trong quá trình triển khai khiến cho việc giải ngân liên tục bị gián đoạn và làm giảm hiệu quả của chính sách, ông Đặng Hồng Anh phân tích.

Cuộc tọa đàm cấp cao
Cuộc tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.

Bên cạnh đó, đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cũng đặt câu hỏi với nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững thời gian tới.

Điều hành phiên tọa đàm cấp cao, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đây cũng là trăn trở của nhóm nghiên cứu bởi doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, doanh nghiệp khỏe thì kinh tế khỏe và ngược lại. Trong đề xuất chính sách của nhóm nghiên cứu đã gợi mở một số chương trình hỗ trợ cho DN như miễn giảm thuế, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Liên quan đến đề xuất của PGS.TS Hoàng Văn Cường, ông Vũ Hồng Thanh cho hay nhóm nghiên cứu đã đề xuất gói hỗ trợ cho phát triển nhà ở và các lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, cũng như các ngành nghề có dư địa phát triển nhanh sau đại dịch, như chuyển đổi số, thương mại điện tử.

Về cải cách thể chế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết cơ quan này đã thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội về dự án một luật sửa 8 luật. Nếu được Quốc hội thông qua sẽ giúp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch.