Khả năng hấp thụ của nền kinh tế đang là một điểm nghẽn

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá dù diễn ra trong một ngày nhưng diễn đàn đầy ắp thông tin về tình hình thế giới, trong nước, về phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, các chính sách tài khoá, tiền tệ…; chia sẻ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, của trung ương và địa phương, chuyên gia trong và ngoài nước, của người thực thi cũng như người thụ hưởng chính sách.

Nhắc lại con số được Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nêu tại diễn đàn rằng, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại khoảng 847.000 tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong bối cảnh đặc biệt cần thiết phải có giải pháp đột phá với cơ chế khác trong điều kiện bình thường. Chúng ta cần có gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình khoảng 2 năm 2022 và 2023 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2024 với những mục tiêu dài hạn và những dự án đầu tư công. “Như đại diện Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, vĩ mô giữ được là rất lâu dài và rất khó, nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất nhanh, rất dễ. Ta phải thấm thía điều này, mất ổn định vĩ mô là mất hết. Do đó, giải pháp trước mắt phải gắn với lâu dài” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Biến Covid-19 thành cơ hội của chúng ta
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đối với chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch Quốc hội khái quát một số quan điểm lớn. Đó là bám sát chủ trương định hướng của Đảng, Nhà nước để cụ thể hóa Kết luận lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV; tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, vì hiện nay cầu của nền kinh tế rất yếu; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; quy mô phải đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, chương trình được thiết kế khả thi và thực hiện nhanh, nguồn lực đưa ra phải có khả năng hấp thụ ngay. “Một trong những điểm nghẽn của chúng ta là khả năng hấp thụ của nền kinh tế” - Chủ tịch Quốc hội nói và chỉ ra rằng, không chỉ đầu tư công mà đầu tư tư nhân cũng rất chậm, vướng mắc. Vì vậy, cần cải thiện năng lực hấp thụ của nền kinh tế.

Vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp, không máy móc

Trong các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo, song cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ. Theo đó, cần chú trọng quan hệ hữu cơ gắn kết giữa ngân sách nhà nước (NSNN), tín dụng ngân hàng và nhu cầu năng lực của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp, người dân tạo ra của cải, vật chất, đóng góp vào NSNN cũng như tạo ra dòng tiền với hệ thống ngân hàng. Do vậy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu NSNN và phát triển hệ thống ngân hàng.

Về lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phải áp dụng theo cách của Việt Nam trên cơ sở học tập triệt để kinh nghiệm thế giới, ví dụ giảm để tăng, vừa rồi chúng ta giảm thuế trước bạ nhưng tổng thu thuế trước bạ lại tăng lên vì lượng xe mua nhiều hơn; hay giảm VAT để kích cầu tiêu dùng tăng lên, nên có thêm nguồn thu từ doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. Nêu ví dụ về một số khác biệt trong tác động chính sách giữa nước phát triển và nước đang phát triển, Chủ tịch Quốc hội lưu ý chúng ta nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế nhưng phải biết vận dụng cho phù hợp, không phải máy móc.

Nhất trí với nhiều đề xuất về chính sách hỗ trợ được nêu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ về việc chú trọng cải tạo chung cư cũ. Hiện nay Hà Nội có 1.560 tòa chung cư cũ cần cải tạo, TP. Hồ Chí Minh khoảng 600 tòa, Hải Phòng cũng rất nhiều... nhưng các nhà đầu tư không đầu tư vì không tìm được điểm hòa vốn, vướng các vấn đề về quy hoạch. “Nếu hỗ trợ tài chính để nhà đầu tư có cơ hội đầu tư, có lãi ở mức độ nhất định nào đó thì mới làm được. Gỡ được điểm nghẽn này thì Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có thể tăng trưởng 7 - 8% là bình thường” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Cùng với đó, hỗ trợ các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng như vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, dịch vụ hoặc các lĩnh vực ưu tiên có cơ hội như công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa y tế... Tăng thêm hạn mức phát hành trái phiếu để Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hỗ trợ sản xuất và việc làm cho các đối tượng gặp khó khăn. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây chính là an sinh xã hội. Chúng ta không dùng tiền trực tiếp nhưng lại giải quyết được sinh kế cho người dân thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Biến Covid-19 thành cơ hội của chúng ta
Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

Phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất

Các ý kiến cũng đề xuất phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc phát hành trái phiếu chính phủ, nghiên cứu khả năng ngân hàng trung ương mua trái phiếu Chính phủ. Rà soát, khai thác nguồn vốn đang tồn đọng tại các quỹ ngoài NSNN như Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ Vắc-xin hay Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp... Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thông tin có khoảng 1 tỷ USD nằm ở doanh nghiệp mà không tiêu được do những vướng mắc trong hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và Công nghệ.

Về chính sách tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị ngân hàng trung ương có thể bằng các công cụ của chính sách tiền tệ như: phấn đấu giảm lãi suất điều hành, các công cụ của thị trường mở cùng với cắt giảm chi phí của ngân hàng thương mại để tiếp tục chia sẻ khó khăn với người vay. Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia đề nghị giảm tối thiểu từ 0,5 - 1% lãi suất. Mặc dù lãi suất của chúng ta đã thấp rồi nhưng vẫn còn cao so với khu vực. Lạm phát hiện nay của nước ta chỉ 1,84%, chênh lệch lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay vẫn còn khá lớn. Đây cũng là dư địa để điều chỉnh chia sẻ một phần khó khăn với doanh nghiệp.

Bên cạnh hỗ trợ về tài khóa tiền tệ, các diễn giả cũng nhấn mạnh doanh nghiệp cần thể chế nhiều hơn là cần tiền. Nhất trí quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội, Chính phủ đang tập trung cho vấn đề cải cách thể chế, nhất là môi trường đầu tư kinh doanh, các thủ tục hành chính…

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải quyết các tồn tại, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cần tích cực, khẩn trương nghiên cứu, căn cứ các ý kiến rất quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nhân hôm nay để đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp, đồng thời hoàn thiện chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, trong đó lưu ý đến vấn đề cải cách và hoàn thiện về thể chế. “Sau cơn mưa trời lại sáng và sẽ rực rỡ hơn, hãy biến Covid-19 thành cơ hội của chúng ta” - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng.

Tự cường, tự tin và đoàn kết

Theo Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến, tham luận tại diễn đàn đã toát lên thông điệp chúng ta phải tự cường, phải có ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp. Nhiều diễn giả cho rằng, chúng ta phải lạc quan, tự tin vào chính mình, vào dân tộc mình, tự tin với khả năng biến nguy thành cơ, tìm kiếm cơ hội… “Ngạn ngữ có câu muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Muốn đi xa trong điều kiện đường xá khúc khuỷu, gập ghềnh, khó khăn, thách thức như thế thì càng phải đoàn kết, sát cánh cùng nhau, không chỉ đoàn kết trong nước mà còn tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, khu vực” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.