5 điểm nhấn của hội đàm trực tuyến Tổng thống Putin-Biden

Cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài 2 tiếng vào tối 7.12 giữa ông Putin và Biden cũng đề cập đến vấn đề an ninh mạng và mã độc tống tiền, cũng như cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga, các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí và nỗ lực tái khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran mà người tiền nhiệm của ông Biden là Donald Trump rút lui vào năm 2018.

Vấn đề Ukraina

Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ, ngày 7.12, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc hội đàm trực tuyến qua video với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về một loạt vấn đề trong chương trình nghị sự Mỹ-Nga. Tổng thống Biden bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Mỹ và các đồng minh Châu Âu về việc Nga tập hợp lực lượng xung quanh Ukraina và nói rõ rằng, Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả bằng các biện pháp kinh tế cứng rắn và các biện pháp khác trong trường hợp xảy ra leo thang quân sự. Tổng thống Biden nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, đồng thời kêu gọi giảm leo thang và quay trở lại ngoại giao. 

Hai tổng thống đã giao nhiệm vụ cho nhóm làm việc của hai bên theo dõi và Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác.

Tổng thống Putin yêu cầu NATO bảo đảm

Theo tường thuật của RT, Tổng thống Putin trả lời rằng, NATO đang có những động thái chống lại Nga, bao gồm cả ở Ukraina, và cho biết Mátxcơva quan tâm đến việc có được những đảm bảo pháp lý vững chắc rằng liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ không mở rộng thêm về phía đông hoặc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở bất kỳ quốc gia nào giáp biên giới Nga, bao gồm Ukraina. Ông cũng cho rằng, chính quyền Kiev đang có những hành động nhằm hủy bỏ các thỏa thuận hòa bình ở miền đông Ukraina.

 
Tổng thống Joe Biden hội đàm trực tuyến với Tổng thống Vladimir Putin ngày 7.12. Ảnh: AFP
Tổng thống Joe Biden hội đàm trực tuyến với Tổng thống Vladimir Putin ngày 7.12. Ảnh: AFP

Đề xuất ngừng trừng phạt trả đũa

Nhà lãnh đạo Nga đề xuất loại bỏ tất cả hạn chế đối với hoạt động của các đại sứ quán và lãnh sự quán, được áp đặt trong 7 năm qua bằng các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng, và theo đó bình thường hóa hoạt động ngoại giao. Mỹ bắt đầu cuộc xung đột bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao Nga vào cuối năm 2016; việc cắt giảm qua lại dẫn đến việc đóng cửa nhiều lãnh sự quán và các đại sứ quán ở cả hai nước không thể hoạt động hết công suất.

Nga và Mỹ chống tin tặc và mã độc tống tiền

Trong khi Nhà Trắng đề cập ngắn gọn rằng “ransomware” (mã độc tống tiền) đã xuất hiện trong cuộc đàm phán, Điện Kremlin cho hay cả hai bên đều bày tỏ sẵn sàng “tiếp tục tương tác” trong việc chống tội phạm mạng, ở cả cấp độ kỹ thuật và thực thi pháp luật.

Các tuyên bố rằng, "tin tặc Nga" có liên quan đến các vụ tấn công mạng cơ sở hạ tầng và chính trị gia Mỹ đã gây trở ngại cho mối quan hệ giữa Washington và Mátxcơva kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Mátxcơva cáo buộc Washington đang "săn lùng" công dân Nga trên khắp thế giới về tội phạm mạng; đồng thời cho rằng, Washington phớt lờ các cuộc tấn công mạng do các quốc gia "thân chủ" của Mỹ thực hiện.

Ví dụ về sự hợp tác

Nhân kỷ niệm 80 năm cuộc tấn công Trân Châu Cảng, nơi khiến Mỹ công khai tham gia Thế chiến thứ hai, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng, những người đã hy sinh vì chiến thắng không nên bị lãng quên. Họ cũng nhắc lại về liên minh giữa Mỹ và Nga trong cuộc chiến tranh này và cho rằng, đây có thể là một ví dụ cho sự hợp tác trong thời đại ngày nay.