“Duyên đẹp” thể thao và du lịch

Ảnh minh họa

Từ nhiều năm nay, thể thao luôn được Thái Lan dùng làm “bàn đạp” tạo sức bật cho du lịch. Hồi cuối năm 2014, quan chức xứ chùa vàng đã tổ chức một hội nghị kéo dài 4 ngày tại Bangkok với sự tham dự của rất nhiều thành viên Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) để giới thiệu Thái Lan là quốc gia tạo được cuộc “hôn phối vàng” thể thao và du lịch. Du lịch Thái Lan đã phát động một chiến dịch trên quy mô toàn cầu với slogan “Discover Thainess” (Khám phá chất Thái), dùng các vận động viên giành thành tích quốc tế làm đại sứ truyền thông cho du lịch.

Còn nhớ, cuối năm 2015, đền Erawan bị đánh bom làm 20 người chết, 120 người bị thương. Ngay lập tức, chính quyền Thái Lan đã “bật đèn xanh” cho Hiệp hội Quần vợt Thái Lan mời Novak Djokovic và Rafael Nadal sang thi đấu. Sau trận đấu mang tên “Back to Thailand” (trở lại Thái Lan) chỉ kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, 2 ngôi sao đẳng cấp quốc tế bỏ túi tới 4,1 triệu USD. Cái giá đó vẫn khá rẻ bởi ẩn phía sau trận đấu là thông điệp củng cố niềm tin cho du khách: Thái Lan vẫn là điểm đến an toàn.

Nếu nhìn sang Thái Lan, thể thao Việt Nam chắc hẳn sẽ phải… tủi thân. Hàng năm, Cơ quan Thể thao Thái Lan có túi tiền đầy ắp, lên đến hơn 1,1 tỷ USD - con số khổng lồ so với thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, vấn đề nằm ở… tư duy chiến lược. Thái Lan đã “se duyên” được thể thao và du lịch, vì sao Việt Nam chưa nghĩ đến?

Những phát súng cùng tấm huy chương vàng đi vào lịch sử thể thao của Hoàng Xuân Vinh có là “cơ hội vàng” cho ngành công nghiệp không khói Việt Nam?

Theo Minh Hạnh(Báo công thương)