Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 13,5%
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 13,5%. Ảnh: Phúc Nguyên

Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 12/1/2022.

Tại hội nghị, ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt năm 2021 đạt 2,7%. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 21,49 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020...

Năm 2021, trong điều kiện sản xuất và lưu thông hàng hoá hết sức khó khăn, nông dân vẫn duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Qua đó, sản lượng rau tăng hơn 300.000 tấn so với năm 2020, sản lượng sắn cũng tăng đáng kể. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng cao, giá trị xuất khẩu lúa đạt 3,28 tỷ USD.

Cục Trồng trọt đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thuỷ lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai và ngành dự báo khí tượng thuỷ săn bám sát tình hình, từ đó tham mưu cho Bộ NN&PTNT chỉ đạo sản xuất thích ứng với điều kiện thực tế của thời tiết, khí hậu và thuỷ văn. Đặc biệt, dù diện tích lúa giảm 40.000 ha nhưng sản lượng vẫn tăng 1,1 triệu tấn.

Bên cạnh đó, nhiều loại cây ăn quả có lợi thế tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt nhóm cây ăn quả tăng gần 40.000 ha so với năm 2020, nhiều nhất là sầu riêng, mít, bưởi, xoài, chuối, dứa. Cơ bản tất cả cây công nghiệp và cây ăn quả đều có giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2020, có những cây giá trị cao gấp 1,5 lần như cao su tăng trưởng trên 150%...

Để phát huy những thành quả đạt được trong năm 2021, năm 2022, Cục Trồng trọt đã xây dựng kế hoạch để thúc đẩy phát triển các nhóm cây này trồng có lợi thế theo định hướng của Bộ NN&PTNT.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, đây là một năm thắng lợi toàn diện của ngành nông nghiệp nói chung trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực lâm nghiệp và trồng trọt. Năm nay, giá trị xuất khẩu nông sản tăng trưởng 13,5% so với năm 2020 và chắc chắn có thặng dư. Đây là thành quả của quá trình chúng ta kiên trì thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Trồng trọt cần siết chặt quản lý giống cây ăn quả, cây công nghiệp. Bên cạnh đó, cục cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để nâng cao năng suất cây điều trong nước bởi Việt Nam phải nhập khẩu hơn 50% nguyên liệu điều để phục vụ chế biến, xuất khẩu.