Năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình 3 đề án quan trọng

Khối lượng công việc lớn, đòi hỏi sự nỗ lực

Ngày 13.1, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị.

Với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trong năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhờ đó, năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành 3 đề án trình Bộ Chính trị.

Trong năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tổ chức nghiên cứu các nội dung, đề án, báo cáo liên quan đến kinh tế,  xã hội phục vụ công tác tham mưu, đề xuất; có 191 lượt phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, dự án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.Trung
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.Trung 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, năm 2021, Ban có một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành có chất lượng các đề án.  

Ban Kinh tế Trung ương đã bám sát thực tiễn, củng cố mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương, bộ, ngành, đặc biệt là thông qua việc tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ đó đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách lớn phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, các nội dung công tác xây dựng Đảng được triển khai nghiêm túc, toàn diện. Các hoạt động đoàn thể được quan tâm triển khai. Tham mưu thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế bằng những hình thức phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ quan, đơn vị được chủ động triển khai.

 Trình 3 đề án quan trọng

Ông Trần Tuấn Anh nêu rõ, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Ông đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần phải tiếp tục nỗ lực để cùng cả hệ thống chính trị cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; tăng cường công tác tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực nói chung và nước ta nói riêng được dự báo sẽ còn có những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Đặc biệt, riêng trong năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương 3 đề án quan trọng như: Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (trình Hội nghị Trung ương 5 - tháng 5.2022); 

Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (trình Hội nghị Trung ương 5 - tháng 5.2022);  và Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (trình Hội nghị Trung ương 6 - tháng 10.2022).

"Trong năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội, trọng tâm là các nghị quyết, kết luận do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành. 

Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức, bộ máy, kiện toàn cấp ủy Đảng của Ban đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ...

Cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu.