Dự báo EU cạn kiệt khí đốt, Đức phải mở đường ống Nord Stream 2

"Chưa bao giờ trống rỗng như vậy"

“Các cơ sở lưu trữ nhiên liệu chứa khí đốt tự nhiên của Châu  Âu chưa bao giờ bị trống rỗng như vậy trong mùa đông này” - các nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Trước tiên, Bloomberg chỉ ra nguyên nhân ở các nước Châu Âu về việc các cơ sở lưu trữ khí đốt trống rỗng. Bốn tháng trước, Amos Hochstein - đặc phái viên Mỹ về an ninh năng lượng - đã cảnh báo rằng Châu Âu đang không thực hiện đủ các biện pháp để chuẩn bị cho mùa đông. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều này với mức giá khi đó là 600 USD/m3 khí đốt?

Giờ đây, những hóa đơn khổng lồ đang đè nặng lên các hộ gia đình EU, vì thời tiết khắc nghiệt. Các nhà dự báo, bao gồm cả những chuyên gia Châu Âu, đã cảnh báo từ lâu rằng mùa đông này sẽ rất lạnh. Có thể, EU cho rằng mọi thứ sẽ qua đi, cái chính là phải cho Nga - nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính cho Châu Âu - hiểu rằng các nước Châu Âu không đầu hàng.

Trong khi đó, ngay từ hồi mùa thu, cổng thông tin thời tiết khắc nghiệt đã dẫn lời các nhà khí hậu học hàng đầu Châu Âu, nêu lý do của việc tiêu thụ khí đốt sẽ cao hơn trong mùa cần phải sưởi ấm 2021-2022. Hiện tượng này gọi là La Nina - có nghĩa là nhiệt độ sẽ lạnh hơn bình thường trên một khu vực rộng lớn ở Thái Bình Dương. Còn Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ cũng đã thông báo khả năng những vùng nước mát mẻ ở xích đạo Thái Bình Dương sẽ gây ra một mùa đông lạnh giá hơn 70%.

Nguyên nhân thứ hai, theo Bloomberg, là việc khử carbon quá nhanh. “Châu  Âu đang trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than và tăng sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng tái tạo. Năng lượng gió và mặt trời sạch hơn, nhưng đôi khi hay thay đổi thất thường, bằng chứng là công suất tuabin giảm đột ngột mà lục địa này đã chứng kiến ​​vào năm ngoái” -  Bloomberg giải thích.

Ngay Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong một tối hậu thư, cũng đã yêu cầu các nước khác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Liên minh Châu Âu, bao gồm 26 quốc gia thành viên, lập tức tán đồng, trong khi Trung Quốc và Nhật Bản lo tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, Nga và Trung Quốc để chuẩn bị cho mùa đông tới.

Biển báo giao thông chỉ dẫn lối vào cơ sở đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức. Ảnh: AFP
Biển báo giao thông chỉ dẫn lối vào cơ sở đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức. Ảnh: AFP

Thứ ba, tờ báo Mỹ chỉ ra, các nhà sản xuất khí đốt của Na Uy, bên đóng vai trò chính trên sàn giao dịch hợp đồng tương lai ICE, đã đưa các giàn khoan dầu khí ở Biển Bắc vào chế độ bảo trì đột xuất ngay khi các nước Châu Âu bắt đầu ngăn cản việc cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream-2.

Nguyên nhân thứ tư là, ở Pháp, một số nhà máy điện hạt nhân cũng chuyển sang chế độ vận hành nội bộ để bảo trì và sửa chữa, dẫn đến việc cắt giảm 30% năng lượng hạt nhân vào đầu tháng Giêng này. 

Châu Âu có thể cạn kiệt khí đốt trong 2 tháng

Xem xét tất cả những lý do này, Bloomberg lo ngại rằng Châu Âu có thể cạn kiệt khí đốt trong 2 tháng. Sebastian Bleschke, người đứng đầu INES, hiệp hội các nhà điều hành hệ thống lưu trữ khí và hydro của Đức, tuyên bố, nếu không tăng nhập khẩu từ Nga, các cơ sở lưu trữ khí đốt sẽ chỉ còn 15% trữ lượng trong tháng Hai, sau đó thì việc cung cấp khí đốt cho tất cả các khách hàng, bao gồm các nhà máy điện, sẽ ngừng hoạt động.

Bloomberg cho biết: "Việc tăng nhập khẩu LNG của Mỹ gần đây đã mang lại một số sự hỗ trợ, nhưng đây cũng chỉ là phương án tạm thời". Đây là lý do các nhà giao dịch không trông chờ sự cải thiện ít nhất là cho đến năm 2025. 

Từ mùa thu đã có ý kiến cho rằng nếu không có Nord Stream-2 thì sẽ không thể vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng. Giới truyền thông thì cho rằng "đường ống của nước Nga" đã chia Châu Âu ra làm hai phần. Phó chủ tịch công ty tư vấn Wood Mackenzie Massimo Di Odoardo nhận định: “Không biết làm thế nào để có thể đạt được mức dự trữ khí cần thiết trong các cơ sở lưu trữ” nếu Mátxcơva không cung cấp khối lượng khí đốt mới.

Một thực tế có lợi là nhanh chóng cấp chứng nhận cho nhà điều hành Nord Stream-2 AG hoặc khởi động đường ống ngay cả khi chưa có thủ tục giấy tờ cần thiết (với các khoản phạt nhỏ) có thể diễn ra trong tương lai gần. Bằng chứng là ông Biden đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Nord Stream-2 từ luật ngân sách quốc phòng của Mỹ. Washington, tất nhiên, sẽ trì hoãn đến phút cuối cùng, nhưng nếu những dự báo của Bloomberg trở thành sự thật, thì van của đường ống Nord Stream 2 sẽ chắc chắn được mở ra.