Đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp linh hoạt vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế đất nước.

Tại kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 1/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn chưa từng thấy, trong đó, riêng gói tài khóa lên đến 291.000 tỷ đồng (bao gồm cả tiền giảm thuế giá trị gia tăng - GTGT).

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, với chủ đề điều hành năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã và đang tích cực triển khai các giải pháp tài khoá ứng phó với đại dịch Covid -19. Hàng loạt cơ chế, chính sách được Bộ Tài chính chủ động tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho phục hồi và phát triển, tái khởi động nền kinh tế đất nước.

Nhằm kịp thời tuyên truyền tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, tạo diễn đàn giới thiệu, phân tích về các cơ chế, chính sách tài chính mới ban hành, được sự đồng ý của Bộ Tài chính, Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến với chủ đề: “Phát triển bền vững, thích ứng tương lai”. Đây là diễn đàn đầu tiên, mở đầu cho chuỗi diễn đàn về kinh tế - tài chính sẽ được Thời báo Tài chính Việt Nam thực hiện trong năm 2022.