Liên quan đến chuyện phục hồi kinh tế Việt Nam, có thể thấy, kết thúc năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 2,58%. Mức tăng trưởng dương này là một nỗ lực rất lớn của nền kinh tế trong năm đại dịch thứ 2.

So với năm trước, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng thấp nhất từ năm 1986 và tiếp nối xu hướng tăng trưởng đi xuống từ năm 2020. Trong năm này tăng trưởng quí I và II lần lượt là 4,47% và 6,73%, quí III giảm 6,02% và quí IV tăng 5,22%.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh chia sẻ dự báo kinh tế 2022 tại hội thảo. Ảnh Thanh Lâm
PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh chia sẻ dự báo kinh tế 2022 tại hội thảo. Ảnh Thanh Lâm

Nhìn về tương lai 2022, các tổ chức quốc tế nhận định nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% vào năm 2022, với sự đi xuống của các nền kinh tế phát triển - một phần do gián đoạn nguồn cung - và đối với các nước đang phát triển có thu nhập thấp, phần lớn là do tác động của đại dịch ngày càng trầm trọng hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới được bù đắp một phần bởi triển vọng gần như mạnh mẽ hơn ở một số thị trường mới nổi xuất khẩu hàng hóa và các nền kinh tế đang phát triển. Tình trạng thất nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục làm tụt hậu quá trình phục hồi sản lượng.

Phần lớn áp lực về giá dự kiến sẽ giảm bớt vào năm 2022. Tuy nhiên, ở một số quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, áp lực về giá dự kiến sẽ tiếp tục tăng do giá lương thực tăng, và độ trễ của động thái tăng giá dầu. Tuy nhiên, việc dự báo triển vọng lạm phát của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, thời gian gián đoạn nguồn cung và kỳ vọng lạm phát của các thành phần kinh tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đã thảo luận xoay quanh các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam năm 2022. Cụ thể như những rủi ro, thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt, các giải pháp phục hồi, triển vọng các ngành, dự báo về thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, các kịch bản phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh…

Các chuyên gia thảo luận và tin tưởng kinh tế sẽ phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh Đỗ Doãn
Các chuyên gia thảo luận và tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2022. Ảnh Đỗ Doãn

Nhìn chung, các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo đều có cùng quan điểm: mặc dù vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường trước trong năm 2022, nhưng sự hiểu biết đáng kể về dịch bệnh Covid-19 và sự phủ rộng của vắc-xin đã tạo ra niềm tin vững chắc trong việc kiểm soát đại dịch, từ đó tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi kinh tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, hội thảo kinh tế lần này nhằm giúp cho các ngân hàng, doanh nghiệp có được những chiến lược kinh doanh ứng phó kịp thời với các điều kiện bấp bênh của kinh tế thế giới, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, các chia sẻ và tham luận tại hội thảo cũng sẽ là cơ sở để tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan ban, bộ ngành của Chính phủ trong xây dựng, điều hành chính sách…/.