Lạm phát, chi phí logistics tiếp tục tác động đến ngành dệt may năm 2022

Hàng loạt thách thức lớn từ đầu năm

Trao đổi với PV Lao Động, ông Đỗ Xuân Hưng - Giám đốc Tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi - bày tỏ những lo lắng về các yếu tố khách quan có thể tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh dù doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6.2022.

“Chúng tôi đã nhìn thấy rõ một số khó khăn trong năm nay là, giá nguyên liệu tăng cao do giá sợi tăng cao; lạm phát tăng dẫn đến sức mua giảm và chi phí sản xuất tăng cao; giá vận tải quốc tế vẫn ở mức cao và hiện tượng thiếu container đi Mỹ và Nhật vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, tình hình thiếu lao động do dịch COVID-19, do người lao động khó di chuyển giữa các địa phương sẽ tiếp tục tác động lên ngành dệt may” - ông Đỗ Xuân Hưng chia sẻ.

Nêu những  khó khăn của ngành, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhấn mạnh: Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu tốt trong năm 2021 nhưng xét về thị phần, dệt may Việt Nam không có sự cải thiện. Trong số các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam năm 2021, ngoài Mỹ, có sự phục hồi với khoảng 100 tỉ USD kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc, thì các thị trường lớn còn lại có khả năng phục hồi thấp. Điều này tiếp tục là thách thức cho ngành dệt may trong năm 2022.

3 "nút thắt lớn": Chi phí logistics, lạm phát và nhân lực lao động

Theo Vitas, trong năm 2022, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó có 3 "nút thắt" lớn: Chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỉ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Chia sẻ thêm về những ảnh hưởng của chi phí logistics đang liên tục “phi mã”, ông Đỗ Xuân Hưng thông tin: “Hiện nay, giá vận tải biển cho 1 container 40 feed đi Mỹ là khoảng 20.000USD, cao 5 lần so với trước đây. Chi phí cao nhưng vẫn thường xuyên thiếu container, hàng sản xuất ra rồi nhưng không có vỏ container để đóng hàng. Hàng làm ra nhưng chưa xuất được đi theo tiến độ nên doanh nghiệp phải thuê kho để chứa, hoặc lưu tại cảng. Việc này phát sinh thêm chi phí lưu kho, chậm giao hàng, chậm tiền hàng… Rất nhiều khó khăn bủa vây doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, khó lường và chưa biết bao giờ chấm dứt”.

Về nhân lực lao động, dịch bệnh COVID-19 có thể ảnh hưởng đến nguồn nhân lực lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cụ thể, tại Bình Dương, năm 2022, thị trường lao động tại Bình Dương sẽ cần khoảng 40.000-50.000 lao động để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng đã ký kết, đơn hàng mới, trong đó chủ yếu tập trung vào các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động, trong đó có ngành dệt may.

“Do dịch bệnh đang gia tăng ở một số địa phương, gây lo ngại cho người lao động và họ không muốn đi các địa phương khác để làm. Nên hiện tại, doanh nghiệp không thể tuyển dụng được lao động từ các tỉnh khác, chỉ có thể tuyển được lao động trong tỉnh mà lực lượng này không đủ” - ông Đỗ Xuân Hưng chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, các nhà máy phía Nam của Vinatex đã đặc biệt chú trọng các hoạt động để “giữ chân” công nhân bằng việc công khai các thông tin về số lượng đơn hàng đã được “lấp đầy” đến hết quý III/2022; các cam kết về đảm bảo việc làm và lương, thưởng, không cắt giảm các khoản phúc lợi... để công nhân yên tâm làm việc.

Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công - cho biết: Doanh  nghiệp đã khai thác được nhiều đơn hàng, nhưng nguồn lao động đang là vấn đề gây áp lực. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may không dám nhận đơn hàng do lao động không ổn định, không chủ động được sản xuất.

Ông Đỗ Xuân Hưng nhấn mạnh: Lạm phát đang tăng cao tại Châu Âu, Mỹ nên ảnh hưởng đến sức mua và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên thị trường. Ông Hưng cho rằng, hiện tại, một loạt các nước đã bắt đầu tăng lãi suất, vậy nên tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam cũng không kỳ vọng lạc quan nhiều trong năm 2022 này.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Tổng Thư ký Vitas - lưu ý: Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến tháng 5.2022 nhưng chưa thể biết được tiếp theo sẽ ra sao vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch. Vì vậy, Vitas đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine vì đây là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do.