Mỹ tìm cách kiếm thêm tiền từ khủng hoảng khí đốt Châu Âu

Châu Âu đang thiếu khí đốt trầm trọng. Ảnh: AFP
Châu Âu đang thiếu khí đốt trầm trọng. Ảnh: AFP
 

Tờ FT đưa tin, giới chức Mỹ được cho là đang đàm phán về các bước dự phòng để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho các quốc gia Châu Âu nếu xung đột có thể xảy ra giữa Nga và Ukraina làm gián đoạn việc giao hàng hiện tại.

“Chúng tôi đang xem xét những gì có thể làm để chuẩn bị cho khủng hoảng, đặc biệt là giữa mùa đông với nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên của Châu Âu ở mức rất thấp. Chúng tôi đã thảo luận về những động thái trên thị trường, những gì có thể giúp ích… những thứ chúng tôi có thể chuẩn bị ngay bây giờ để triển khai nếu và khi có khủng hoảng leo thang” - FT dẫn lời một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết.

Hai nguồn tin quen thuộc vấn đề này nói với Bloomberg rằng, Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch mời Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, đến thăm Nhà Trắng, có thể sớm nhất là vào cuối tháng này. Cuộc gặp giữa ông Biden và Sheikh Tamim đã được thu xếp một thời gian.

Trong khi đó, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ cho Reuters hay, cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng Amos Hochstein đang dẫn đầu các cuộc thảo luận của Bộ Ngoại giao với các công ty năng lượng.

Một nguồn tin khác nói với Reuters: “Mỹ hứa sẽ có sự hỗ trợ của Châu Âu nếu thiếu hụt năng lượng do xung đột hoặc các lệnh trừng phạt. Amos Hochstein sẽ tới các công ty và quốc gia sản xuất LNG lớn như Qatar để xem liệu họ có thể giúp gì cho Mỹ hay không” - ông nói thêm.

Các nhà chức trách Qatar đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận.

Các cuộc đàm phán với Qatar và các nước thành viên của Liên minh Châu Âu được tổ chức khi EU đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, khiến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Cuộc khủng hoảng có thể trở nên căng thẳng hơn nữa nếu Nhà Trắng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga liên quan đến Ukraina.

Các nước thành viên EU mua khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của họ từ Nga, và hầu hết trong số đó đi qua Ukraina.

Trạm đo khí đốt Suja ở biên giới Nga-Ukraina. Ảnh: Gazprom
Trạm đo khí đốt Suja ở biên giới Nga-Ukraina. Ảnh: Gazprom

Các quốc gia phương Tây cũng cáo buộc Nga siết chặt nguồn cung cấp khí đốt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Các cáo buộc bị chính phủ Nga nhiều lần bác bỏ đã được Washington tích cực sử dụng trong cuộc tranh luận kéo dài với Berlin về sự cần thiết của việc khởi động đường ống dẫn khí Nord Stream 2, do tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga xây dựng.

Theo RT, trong nỗ lực tăng cường bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang thị trường Châu Âu, Mỹ thường xuyên cáo buộc các nước thành viên EU phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, liên tục chào bán LNG, giá cao hơn tới 40% so với khí đường ống, như một nguồn nhiên liệu thay thế.

Các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với xung đột Nga-Ukraina có thể nhắm vào các ngân hàng thương mại lớn của Nga, lĩnh vực năng lượng của Nga, ngăn chặn quyền tiếp cận của Mátxcơva với thị trường trái phiếu, cắt nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và tăng cường các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Châu Âu gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với mức giá cực cao trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn liên quan đến trừng phạt Nga - theo một nhà điều hành ngành năng lượng giấu tên, được truyền thông trích dẫn.

Giám đốc điều hành cho biết: “Họ sẽ phải cạnh tranh hiệu quả để có được tất cả nguồn cung trên thị trường, đưa hàng hóa rời khỏi Châu Á, và kết quả cuối cùng có thể là người đóng thuế sẽ phải trả".

Theo Khánh Minh (Báo Lao động)