Thương hiệu đối trọng

Ảnh internet

Một câu hỏi đặt ra: Nếu đã có một thương hiệu đang dẫn đầu, các thương hiệu khác phải làm gì để vươn lên, tạo đối trọng? Hãy xem câu chuyện của Lego.

Lego là hãng đồ chơi lắp ghép lớn nhất thế giới, luôn nằm trong Top 20 thương hiệu quyền lực nhất, giữ vị thế độc tôn trong lĩnh vực đồ chơi lắp ghép dành cho trẻ em. Tuy nhiên, Lego có mức giá rất cao do hệ thống nhân sự lớn, hoa hồng cho kênh bán hàng cao, chi phí “nuôi” thương hiệu khổng lồ. Không phải ai cũng có nhiều tiền để mua Lego. Đó là điều kiện khiến nhiều nhãn hàng nhái Lego nổi lên.

Tại Trung Quốc, Wange là hãng sản xuất đồ chơi xếp hình lớn nhất, cạnh tranh trực tiếp với Lego bằng chiến lược giá rẻ, chinh phục nhiều người tiêu dùng. Ngay tại Việt Nam, đồ chơi lắp ghép nhái Lego của Trung Quốc luôn được người tiêu dùng lựa chọn.

Tại châu Âu, nơi Lego làm bá chủ, thương hiệu đồ chơi lắp ghép thông minh Creto không “đấu” trực diện với Lego mà đi vào phân khúc đồ chơi xếp hình cỡ lớn và tính an toàn. Đồ chơi Lego có nhiều mảnh ghép nhỏ có thể khiến trẻ con nghịch, cho vào miệng nuốt, gây ra những tai nạn đáng tiếc. Creto nghiên cứu, làm những miếng ghép kích cỡ lớn để trẻ nhỏ để không thể cho vào miệng. Việc tập trung vào 1 phân khúc giúp Creto tối giản mẫu mã, dây chuyền sản xuất tinh gọn, giá đồ chơi Creto chỉ bằng một nửa Lego, gặt hái thành công.

Sự khác biệt về giá là một trong những yếu tố quyết định đến hành vi mua hàng của khách hàng.

Theo Minh Hạnh(Báo công thương)